Chia ngọt, sẻ bùi với người trồng mía

Được hỗ trợ vay vốn hàng chục triệu đồng/ha để đầu tư trồng mía; được chia sẻ rủi ro ở mức 1 triệu đồng/ha trên những ruộng mía chết gốc do hạn hán... - đó là 2 trong số nhiều sự hỗ trợ mà người trồng mía ở Ninh Thuận đang nhận được để phát triển bền vững đồng mía.
Giống mía K95-85 đem lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân tại Quảng Sơn.

Lãi gấp 1,5 lần trồng mì

Trong cái nắng gắt khô hạn giữa tháng 8, chúng tôi chứng kiến những đồng mía từ 6- 8 tháng tuổi mơn mởn trải dài bạt ngàn bao la. Anh Trương Đình Dũng (thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) đang chăm sóc một đồng mía phấn khởi cho biết: “Tôi đến đây lập nghiệp từ năm 1980 và đã gắn bó với giống mía K95 – 84 được hơn 5 năm nay. Vụ mía nào cũng cho tôi thu hoạch 100 tấn/ha, chữ đường đạt từ 9,5 – 10 CCS. Nhờ giống mía này, gia đình tôi đã đổi đời rõ rệt”.

Anh Dũng nói tiếp, do lúc đầu chưa biết kỹ thuật chăm sóc nên năng suất mía thấp, chữ đường ít. Qua đúc kết kinh nghiệm và sự hỗ trợ tư vấn của cán bộ Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang, anh đã nắm vững kỹ thuật từng giai đoạn phát triển của mía. Từ đấy, năm nào năng suất cũng tăng 15 – 20%. Riêng vụ mía năm nay, anh làm thêm 5 sào, nâng tổng diện tích lên 1,5ha. Dự tính vài tháng nữa, mía sẽ thu hoạch, với doanh thu dự kiến vài trăm triệu đồng. Nhờ chịu khó chăm sóc mía, anh đã có tiền tích góp mua được 5 con bò sinh sản trị giá gần 200 triệu đồng.

Cách đó khoảng 300m, vườn mía của anh Nguyễn Hiệp (cùng địa phương) đang được 7 tháng tuổi. Anh Hiệp kể: “Trước kia, gia đình tôi quanh năm suốt tháng chỉ biết trồng cây mì, mặc dù có nhiều người giới thiệu về các giống mía nhưng tôi một mực vẫn không chuyển đổi. Sau lần thất bại nặng nề do giá mì thấp cộng với chi phí nhân công lên cao, tôi mới quyết định chuyển sang trồng mía. Ban đầu tôi e dè, không dám làm diện tích lớn, chỉ trồng thử 3ha. Thấy vụ đầu tiên, giống mía K95 - 84 cho năng suất cao nên tôi mở rộng diện tích. Vụ trước, với diện tích 4,5ha, cho doanh thu trên 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 120 triệu đồng. Tôi nghiệm lại, thấy cây mía cho thu nhập cao gấp 1,5 lần so với cây khoai mì. Đến thời điểm này tôi chuộng giống mía K95 – 84. Quá trình chăm sóc, giống mía này phát triển nhanh, ít có sâu bệnh gây hại”.

Nhiều hỗ trợ cho nông dân

Ông Văn Hữu Thận – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang cho hay, giống mía K95 -84 đang được nông dân  mê và rất phù hợp với vùng đất nắng nóng Ninh Thuận. Trung bình mỗi năm, nông dân trồng trên 1.200ha giống mía này. Công ty có nhiều chính sách hỗ trợ  kịp thời cho nông dân trồng mía.

Đặc biệt, đối với vùng mía gần (dưới 30km), công ty hỗ trợ 50% lượng giống mía, 10 tấn phân hữu cơ và tiền khai hoang phục hoá chuyển đổi cây trồng; cho nông dân vay vốn từ 15 - 17 triệu đồng/ha đối với giá mía gốc, từ 25 - 27 triệu đồng/ha đối với giống mía tơ...

Đễ hỗ trợ một phần khó khăn do hạn hán thiên tai, kể từ ngày 8.5.2015, công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/ha tiền làm đất trồng lại mía vụ 2015-2016 trên những ruộng mía bị chết gốc.

Nhằm đảm bảo công tác xuống giống vụ mía 2016-2017 đáp ứng yêu cầu chống hạn, năng suất cây mía ổn định. Công ty có chính sách hỗ trợ 30% chi phí cày sâu >35cm đối với diện tích trồng thả.

Những chính sách hỗ trợ này đang giúp nông dân thêm tin tưởng vào cây mía K95-84. Giống mía này đang mỗi ngày một mở rộng diện tích trên cánh đồng Ninh Sơn.

"Vụ trước, với diện tích 4,5 ha, cho doanh thu trên 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 120 triệu đồng. Tôi nghiệm lại, thấy cây mía cho thu nhập cao gấp 1,5 lần so với cây khoai mì”. Nông dân Nguyễn Hiệp.

Nguồn: danviet.vn