Chính phủ cần làm rõ các chính sách về tam nông

Chính phủ cần làm rõ các chính sách về tam nông
Sáng 17/11, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về việc triển thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ kỳ họp thứ 6 đến nay.

Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp



Trong Báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong những năm qua Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến, thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn tiếp tục được ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện. Năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,2%; tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 790 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19 tiêu chí), chiếm 8,8%. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 14,4% năm 2012 và 12,7% năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 84%, tăng 2% so với năm 2013.

Về tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng

Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đã ban hành và tích cực triển khai các đề án tái cơ cấu đối với 6 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời, ban hành 6 kế hoạch chuyên đề hỗ trợ tái cơ cấu, gồm: Đổi mới cơ chế, chính sách và pháp luật; đổi mới, phát triển các hình thức hợp tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ cấu, cơ chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và tổ chức sự nghiệp công lập. Đã rà soát quy hoạch và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường. Phát triển sản xuất lúa dưới hình thức hợp tác liên kết, cánh đồng lớn ở 43 địa phương với trên 120 nghìn ha; chuyển đổi gần 90 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng mầu hiệu quả cao hơn; phát triển đàn bò sữa hơn 200 nghìn con. Ban hành các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Rà soát quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững rừng nguyên liệu tập trung. Tăng cường bảo vệ rừng, vùng sinh quyển gắn với phát triển du lịch. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn. Phấn đấu đến năm 2017 có 235 nghìn ha rừng sản xuất có thể khai thác sản phẩm.

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chủ lực, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Tập trung chuyển dịch cơ cấu khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, từng bước hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm. Tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Triển khai thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm ngư. Đã ban hành và triển khai thực hiện các Nghị định về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra và về một số chính sách phát triển thủy sản. Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi; rà soát quy hoạch, điều chỉnh các chương trình an toàn hồ chứa, đê sông, đê biển. Nghiên cứu, xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng cạn. Hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Về hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân, ngư dân, di dân tái định cư

Đã ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, quy định mới về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ: Lãi suất vay vốn trong thu mua lúa gạo tạm trữ; giảm tổn thất trong nông nghiệp; khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn; giống cây trồng để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mầu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình bố trí dân cư các vùng bị thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng. Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư các dự án thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát. Rà soát quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư; hoàn thiện chính sách và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và di dân ra khỏi vùng lòng hồ các dự án thủy điện, trong đó có Thủy điện Lai Châu.

Về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm 

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh thông tin truyền thông, phối hợp chặt chẽ trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tăng cường kiểm tra, thanh tra. Đã ban hành 123 Quy chuẩn kỹ thuật, 200 tiêu chuẩn Việt Nam và đang xây dựng 117 quy chuẩn kỹ thuật, 194 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến vật tư nông nghiệp.

Đổi mới phương thức quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình điểm chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại các địa phương. Đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; một số Chi cục đã thành lập đơn vị cung ứng dịch vụ kiểm nghiệm và tư vấn về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Hệ thống thanh tra chuyên ngành được thành lập và đi vào hoạt động ở hầu hết các địa phương.

Về bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi

Chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước; trong số 6.648 hồ chứa nước thủy lợi dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên, có tới 1.150 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 320 hồ cần đặc biệt quan tâm trong mùa mưa lũ. Năm 2013 - 2014 tập trung sửa chữa, nâng cấp 93 hồ xuống cấp nặng nhất; đồng thời đã lập danh mục, xác định kinh phí đối với 163 hồ cần sửa chữa, nâng cấp cấp bách và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp đối với các hồ còn lại. Đã phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 11/11 lưu vực sông.

Đừng để nông dân tự bơi

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) có ý kiến: Báo cáo của QH có nêu những việc Chính phủ có làm, đang làm, đã làm được và cả những việc còn chưa thực hiện được. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ chỉ mới nêu những việc làm được.

Vì vậy, ĐB Châu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về hiệu quả quản lý nhà nước. Tại sao có những việc xảy ra rồi thì mới đi rà soát quản lý nhà nước (tai nạn xảy ra rồi mới rà soát quản lý như thế nào; cầu hư, sập cầu rồi mới đi rà soát lại quản lý thiếu sót ra sao,…). Như vậy, việc quản lý đi sau thực tế trong khi người dân cần Chính phủ có dự báo, đánh giá trước để có chính sách, quản lý chặt chẽ. Mặt khác, các bộ ngành trung ương cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định của mình đừng để đưa ra rồi ảnh hưởng đến người dân để người dân phản ứng rồi rút lại.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình với báo cáo của Chính phủ về giải quyết các vấn đề chất vấn. Tuy nhiên, ông Lịch chưa đồng tình với việc giải quyết các nhóm công việc của Chính phủ bởi thiếu sự đồng bộ. Ví dụ, việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp và vấn đề cai nghiện rất bị động trong việc đưa ra giải pháp.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Lịch cho biết ngành này chưa có bài toán tổng thể dù rằng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 12 nhóm giải pháp.Nông nghiệp sản xuất cái gì, sản xuất bằng cách nào, sản xuất cho ai… là những câu hỏi ngành nông nghiệp cần phải làm rõ. Có những mặt hàng ngành nông nghiệp có thể sản xuất được nhưng giá thành lại quá cao. Chưa kể, bài ca được mùa mất giá, mất giá được mùa cứ tiếp diễn.

Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) quan tâm đến báo cáo về nâng cao chất lượng trồng rừng. Theo ĐB này việc trồng rừng chưa được Chính phủ đánh giá được chất lượng của trồng rừng như thế nào.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đang để nông dân “tự bơi” trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách trong việc phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, ĐB Tính đề nghị Chính phủ cần siết chặt kiểm tra, xử lý tình trạng vật tư nông nghiêp giả (phân bón, thuốc trừ sâu giả,…) để người nông dân yên tâm sản xuất.
D.Thanh
Theo: kinhtenongthon.com.vn