Chính sách thoát nghèo: Cần đồng bộ, lâu dài

Chính sách thoát nghèo: Cần đồng bộ, lâu dài
Ngày 11-4, trong hội nghị toàn quốc đánh giá lại việc triển khai thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc: Chính sách đã có nhưng khâu thực hiện lại gặp nhiều trắc trở khiến đồng bào nhiều nơi chưa tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước. Hội nghị do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo, cùng với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Quốc Anh
 
 Ủy ban Dân tộc đánh giá: Trong 15 năm qua, kể từ trước khi Chương trình 135 ra đời cho đến nay, vùng dân tộc và miền núi đang có sự thay đổi căn bản. Nếu giai đoạn 1 của chương trình 135 chủ yếu đầu tư vào các dự án thành phần như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, quy hoạch lại dân cư và đào tạo cán bộ cơ sở; thì giai đoạn 2 (2006-2012), Chương trình 135 đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi, tạo đà cho khu vực này phát triển. Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử thì, bên cạnh các chính sách chung cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cho các dân tộc đặc biệt ít người như Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Cống, Mảng… và các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, đào tạo, y tế đã tạo nên hệ thống chính sách tương đối toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi. 
 
... Chồng chéo, lãng phí nguồn lực
 
Thẳng thắn nhìn nhận những mặt chưa được, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đã nói nhiều đến những hạn chế yếu kém của chính sách mà tư duy nhiệm kỳ, chính sách vừa ban hành đã hết hiệu lực, thiếu tính bền vững, thiếu chiến lược… là một ví dụ, yếu kém này đã dẫn đến thực trạng: Chính sách hết hiệu lực mà mục tiêu đề ra không đạt do nguồn vốn trung ương cấp không đủ. Bên cạnh đó, đáng tiếc vẫn còn tình trạng chính sách có nhưng văn bản hướng dẫn thì quá chậm; thậm chí có chính sách còn kém hiệu quả. Đồng thuận với nhận định này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành đề nghị: Văn bản xây dựng rồi cần sớm được ban hành, cần sớm có thông tư liên bộ để địa phương thực hiện. Việc phân công phối hợp giữa các bộ, ngành cũng cần phải nhịp nhàng, tránh chồng chéo, trùng lắp- bởi chính sự trùng lắp ấy cũng được coi là một trong những yếu kém góp phần kéo lùi sự phát triển của đồng bào dân tộc, miền núi. Đó là chưa kể đến việc còn quá nhiều đầu mối quản lý. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH K’sor Phước đã đưa ra một ví dụ khá hình ảnh cho sự chồng chéo, trùng lắp kể trên: Đó là câu chuyện 1 giếng nước nhưng thụ hưởng tới 4 chương trình hỗ trợ, tại một tỉnh mà đoàn giám sát của ông ghé thăm. Ông K’sor Phước băn khoăn đặt câu hỏi: Không biết tiền nào là tiền thật!? Và, qua thực tế của một cơ quan giám sát việc thực hiện chính sách, ông Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng nêu một thực trạng khác: Đó là chương trình 134 bề thế là vậy nhưng dân vẫn thiếu nhà ở, thiếu nước sinh hoạt.
 
Độ phủ rộng nhưng quá dàn trải
 
Đây là ý kiến, đồng thời là tâm tư của đại diện khá nhiều địa phương mang tới hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nêu thực trạng ở một địa bàn mà thu ngân sách vẫn còn eo hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trung ương cấp thì việc cấp kinh phí theo kiểu bình quân sẽ rất khó để vươn lên. Ông Thành đưa ra ví dụ: Mỗi xã khó khăn ở Lai Châu được cấp 1 tỉ đồng kinh phí/năm; mỗi thôn bản có 200 triệu thì làm sao có thể phủ các công trình điện, đường, trường, trạm… Băn khoăn ấy cũng được đại diện tỉnh Đắc Lắc chia sẻ khi cho rằng: Nguồn lực cho chính sách còn thấp.  
 
Thậm chí, có những nơi như Sóc Trăng kinh phí còn chậm. Ngay việc thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2009-2010, Sóc Trăng được cấp 752 tỉ đồng kinh phí nhưng đến năm 2012 mới thực hiện được 212 tỉ đồng. 
 
Dẫn ra ví dụ của Lai Châu với 667 thôn bản vẫn đang ở ngưỡng đặc biệt khó khăn, đại diện tỉnh này đề nghị: Chính phủ cùng các bộ, ngành cần nghiên cứu một khung chính sách mở, khung chính sách cho riêng từng khu vực… để vùng khó khăn có thể phát triển. Bởi thực tế không phải chỉ có Lai Châu mà ngay cả Nghệ An, Đắc Lắc, Sóc Trăng… vẫn còn tình trạng: Hỗ trợ chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn là chưa động viên khuyến khích được người nghèo vươn lên. 
 
Làm sao để bà con thoát nghèo bền vững?
 
Câu chuyện trao cho bà con cần câu hay xâu cá giờ dường như không còn được đặt ra. Bởi, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với việc: Phải giúp bà con thoát nghèo bền vững. Một trong những cách để thoát nghèo là cần phải có một chính sách toàn diện để giúp bà con từ trình độ phát triển thấp tiến đến trình độ phát triển cao. Nói cách khác là làm sao để bà con có thể vươn lên bằng nội lực của mình. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cùng với những nguyên nhân khách quan như điều kiện tự nhiên địa lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn so với miền xuôi; nhưng nguyên nhân chủ quan cũng rất quan trọng. Bởi, nhận thức của hệ thống chính trị từ cấp ủy Đảng đến chính quyền, cả nhận thức về mặt chính sách chưa đúng mức nên tập trung chỉ đạo cũng chưa đúng mức. Đó là chưa kể chính sách ban hành nhiều, nhưng có nhiều điểm chưa sát, chưa phù hợp, không đủ cụ thể, đi vào thực hiện là vướng- năng lực xây dựng và thực hiện chính sách yếu, đã thế lại chậm khắc phục. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng: Khâu tổ chức thực thi kém hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với việc đồng ý về chủ trương để bà con vươn lên bằng nội lực, Thủ tướng cũng lưu ý: Không tạo cơ chế để đồng bào ỷ lại; nhưng không được để hộ nào đói, đứt bữa do giáp hạt, do gặp thiên tai mà phải kịp thời hỗ trợ trong các trường hợp kể trên. Chúng ta không dư giả nhưng chúng ta đủ sức làm việc này.
Từ thực tế ấy, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần: Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc, vùng đồng bào miền núi. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhưng tránh chồng chéo; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả nước và của từng địa phương.
Mai Loan
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Văn Chính: 
Ba vấn đề cho phát triển
 
Tôi mong muốn tham góp 3 vấn đề: Đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển sản xuất và trợ giúp pháp lý cho đồng bào. Về đầu tư cơ sơ hạ tầng- tôi cho là việc cần phải quan tâm vì nó liên quan đến vấn đề bền vững rất lâu dài của vùng dân tộc. Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt đều là những thứ cần đầu tư "ra tấm ra món” chứ như hiện nay, chúng ta làm theo nhiệm kỳ thì khó cho dân hưởng lợi quá! Như ở Sơn La 82% dân số là đồng bào dân tộc mà có tới 90 xã đường xá chỉ đi nổi một mùa. Vì thế, chúng tôi mong Chương trình 135 giai đoạn 3 cần đầu tư sâu hơn cho đường, điện, trường, trạm. Về đầu tư cho sản xuất cũng vậy, nếu phát triển sản xuất tốt, có phương án cụ thể, tôi tin, bà con sẽ tập trung sản xuất lâu dài, bền vững. Về việc trợ giúp pháp lý tôi cho là rất cần thiết bởi, bà con hiểu các chương trình dự án, hiểu về chế độ chính sách cũng như các văn bản pháp luật thì sẽ hưởng ứng và thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng đồng bào dân tộc của chúng ta.
 
Nguồn:ddk.vn