Chính sách về phát triển nông nghiệp sạch: Nhiều bất cập
- Thứ năm - 07/12/2017 22:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trên địa bàn thành phố đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành, diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt trên 5.000ha, hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện chính sách ban hành về phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, một số văn bản quản lý còn bất cập, không thống nhất. Chẳng hạn, chưa có quy định về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản cụ thể về mẫu “giấy chứng nhận” hoặc “giấy xác nhận”. Vì vậy, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tươi sống. Ngoài ra, chưa có quy định về việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tươi trong quá trình lưu thông, nên không xử lý được vi phạm. Chưa kể Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, cũng gây khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật…
Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Hiện toàn thành phố có hơn 20.000 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, thành phố đã phân cấp cho các xã, thị trấn quản lý đối với cơ sở nhỏ lẻ, tổ chức ký cam kết. Trong đó, yêu cầu không sử dụng chất thải từ động vật và con người để nuôi trồng thủy sản. Nhưng thực tế các vùng trũng nuôi trồng thủy sản kết hợp với lúa, chăn nuôi vẫn xả thải không theo quy định. Trách nhiệm giao cho cấp xã quản lý, nhưng thời gian qua, hầu như chính quyền địa phương vẫn chưa có hình thức kiểm tra và xử lý vi phạm này.
Trước những khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố có cơ chế hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để quản lý tốt nguồn thực phẩm vào thành phố và là nơi để giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản an toàn của cả nước. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các huyện thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung; xây dựng khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh theo quy định. Đồng thời, có chủ trương tạm thời cho phép các cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động trong khi chờ rà soát, sửa đổi quy hoạch, phân cấp thẩm định; cấp phép dự án giết mổ có quy mô vừa và nhỏ cho cấp huyện thực hiện nhằm đẩy nhanh các dự án giết mổ tại địa phương.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh đề xuất: Nên bãi bỏ hoặc sửa đổi thủ tục hành chính chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thủ tục đánh giá xếp loại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cơ sở tự động công bố chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm. Chính phủ nên ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường, tất cả các sản phẩm rau tại các vùng sản xuất đều được kiểm soát ở chợ đầu mối... nhằm tạo sự minh bạch trong khâu tiêu thụ.