Chính thức tăng phí khám chữa bệnh từ ngày 1-3
- Thứ ba - 19/01/2016 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo quy định này, các dịch vụ được điều chỉnh giá bao gồm giá khám bệnh được quy định cho từng hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV (4 dịch vụ); giá ngày giường bệnh được quy định cho cho từng hạng bệnh viện và từng loại giường (10 dịch vụ); giá các dịch vụ kỹ thuật còn lại áp dụng chung cho các hạng bệnh viện như siêu âm, X-quang, xét nghiệm, các phẫu thuật, thủ thuật theo từng chuyên khoa (1.888 dịch vụ).
Ngoài các chi phí thuốc, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua/thay thế dụng cụ… thì giá dịch vụ khám chữa bệnh còn bao gồm thêm chi phí phụ cấp đặc thù, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định.
Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1-3-2016, còn mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, và tiền lương được thực hiện từ ngày 1-7-2016. Các cơ sở y tế tư nhân cũng được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1-3-2016.
Đối với người dân chưa tham gia BHYT thì trong thời gian tới (từ ngày 1-3), chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do họ vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp). Bộ Y tế cho rằng, nếu thực hiện tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho họ khi ốm đau, đồng thời, cũng dành thời gian để vận động họ mua thẻ BHYT.
Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT, ngoài các chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương còn có chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được nhà nước bao cấp.
Đặc biệt, có một số đối tượng không bị ảnh hưởng bởi quy định tăng viện phí như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, diện bảo trợ xã hội, do những đối tượng này được BHYT chi trả 100% viện phí. Một số đối tượng khác cũng bị tác động ít như cận nghèo, hưu trí.
Riêng TPHCM cũng đang hỗ trợ thanh toán những khoản bệnh nhân phải đồng chi trả khi người bệnh có thẻ BHYT thuộc hoàn cảnh khó khăn. Các đối tượng này bao gồm: người bệnh thuộc diện chuẩn nghèo của thành phố khi đi khám chữa bệnh ngoài quyền lợi được bảo hiểm chi trả 95% viện phí sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ 5% chi phí khám chữa bệnh còn lại; những bệnh nhân cận nghèo được quỹ bảo hiểm thanh toán 80%, ngân sách thành phố hỗ trợ 15% chi phí.
Với bệnh nhân vừa vượt chuẩn cận nghèo của thành phố đang chạy thận nhân tạo sẽ được BHYT thanh toán 80%, ngân sách hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh. Với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có thẻ BHYT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, sẽ được ngân sách hỗ trợ phần còn lại sau khi đã trừ chi phí được BHYT thanh toán.
http://www.thesaigontimes.vn/