Cho cá đối ở chung với tôm, sau 5 tháng lời tới hơn 77 triệu

Cho cá đối ở chung với tôm, sau 5 tháng lời tới hơn 77 triệu
Đến nay, sau gần 5 tháng nuôi, anh Nguyễn Văn Nhựt bắt đầu thu hoạch cá và tôm. Sản lượng tôm thương phẩm đạt 1,8 tấn, với giá tôm 95.000 đồng/kg anh thu về trên 171 triệu đồng; còn cá đối mục dự kiến thu 340kg, với giá bán 100.000 đồng/kg, anh thu thêm trên 34 triệu đồng; trừ chi phí lãi trên 77,7 triệu đồng...

Mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần khắc phục tình trạng dịch bệnh và môi trường nước bị ô nhiễm.

Môi trường nước bị ô nhiễm và dịch bệnh khiến người nuôi tôm ở Quảng Ngãi gặp không ít khó khăn. Một trong những giải pháp giúp người dân khắc phục tình trạng này đó là nuôi tôm kết hợp với một số loại cá, trong đó có cá đối mục.

 cho ca doi o chung voi tom, sau 5 thang loi toi hon 77 trieu hinh anh 1

Anh Nguyễn Văn Nhựt thu hoạch cá đối trong mô hình nuôi chung với tôm.

Năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã triển khai mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối thương phẩm tại thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, với diện tích 5.000m2 do hộ anh Nguyễn Văn Nhựt thực hiện bắt đầu từ tháng 4 thả cá và giữa tháng 6 thả tôm giống. Hộ anh Nhựt thả 200.000 con tôm thẻ chân trắng, mật độ 40 con/m2 và 1.000 con cá đối mục, mật độ 1 con/5m2.

Ngày 31/8, Trạm Khuyến nông Bình Sơn tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng – cá đối nục. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Bình Sơn, mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng – cá đối mục phù hợp với vùng nuôi ao đất với hình thức bán thâm canh.

Với đặc tính ăn tạp, cá đối sử dụng triệt để lượng mùn bã hữu cơ ở đáy ao như: phân tôm, thức ăn dư thừa của tôm, tảo tàn, lab-lab…cân bằng được hệ sinh thái trong ao nuôi, tạo nền đáy ao tốt, giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh hơn, hạn chế được dịch bệnh; quan trọng hơn cả là tôm sống ở tầng mặt, còn cá đối sống ở tầng đáy nên tôm vẫn phát triển tốt. Vì vậy, mô hình nuôi ghép tôm với cá đang là hướng đi mới cho người nuôi tôm.

Theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Bình Sơn, ngoài việc nuôi tôm với cá đối, người nuôi có thể nuôi ghép tôm với cá dìa, cá măng, cá rô phi đơn tính đực. Tuy nhiên, cá đối mục có nguồn giống được sinh sản nhân tạo nên cỡ cá đồng đều, thuận lợi cho người nuôi; cá đối mục có thịt thơm ngon, giá thương phẩm cao và dễ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định: Việc thực hiện mô hình nuôi ghép tôm với cá thương phẩm nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm. Thông qua mô hình, giúp bà con nông dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo danviet.vn