Cho ngư dân vay đóng mới, cải hoán tàu theo đúng cơ cấu, quy hoạch

Cho ngư dân vay đóng mới, cải hoán tàu theo đúng cơ cấu, quy hoạch
Lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính bày tỏ không ủng hộ chủ trương của một doanh nhân muốn vay ưu đãi 1.350 tỷ đồng với lãi suất 1%/năm để nhập tàu, ngư cụ để cùng với ngư dân đánh cá xa bờ.

Dư luận trong hơn 1 tháng qua râm ran thông tin ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Đức Khải ở TPHCM, chủ trương đầu tư đội tàu với quy mô 100 chiếc, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến đầu năm 2015 có thể khai thác hải sản xa bờ.

Trên một số trang báo, ông Phạm Ngọc Lâm kiến nghị Chính phủ cho vay ưu đãi 1.350 tỷ đồng với lãi suất 1%/năm để nhập tàu, ngư cụ để cùng ngư dân đánh bắt xa bờ. Ông Phạm Ngọc Lâm cho biết sẽ phân bổ đội tàu này ở các địa bàn khác nhau như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

Trong cuộc họp bàn tiến độ hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP sáng nay (12/8), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà đều không đồng tình với nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển đội tàu của ông Phạm Ngọc Lâm.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Nghị định 67 đã quy định việc hưởng ưu đãi chỉ áp dụng cho các trường hợp đóng mới tàu hoặc vay vốn ưu đãi để hoán cải, nâng cấp tàu đánh cá hiện có của ngư dân (lên công suất trên 400 CV). “Không thể áp dụng cho trường hợp vay lãi suất thấp để mua tàu cũ đánh bắt xa bờ được”, ông Hà nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Nghị định 67 thúc đẩy việc đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ nhưng không phải là “cứ làm thật mạnh”, mà phải làm theo kế hoạch về số lượng tàu, loại tàu.

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát đội tàu ở từng tỉnh, thành, từ đó tính toán cơ cấu ngành nghề đánh bắt các loại hải sản trên biển, nhưng tập trung vào nghề, đối tượng đánh bắt xa bờ, không khuyến khích đánh bắt gần bờ.

“Sau khi có được cơ cấu ngành nghề trên biển thì sẽ ra được cơ cấu tàu thuyền gắn với từng loại hải sản khai thác. Từ đó, tiếp tục lựa chọn ra loại nghề, tàu thuyền để cho ngư dân vay đóng tàu ưu đãi”, ông Phát nói và nhấn mạnh: “Hiện có người muốn vay hơn 1.000 tỷ đồng để mua tàu nước ngoài về đánh bắt xa bờ thì phải cân nhắc. Không thể cho vay tràn lan và đánh bắt tràn lan được”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng khẳng định quan điểm từ trước tới nay của mình, rằng đối tượng được vay ưu đãi từ Nghị định 67 phải là những người trực tiếp làm nghề cá, đang làm ăn hiệu quả với sự xác nhận của chính quyền địa phương.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm, hiện cả nước có gần 28.000 tàu đánh bắt xa bờ. Theo quy hoạch phát triển đội tàu tới năm 2030 là 30.000 chiếc thì chỉ đóng mới thêm được 2.087 chiếc nữa.

“Trong khi đó, Bộ NNPTNT đang điều tra tổng sản lượng hải sản và trữ lượng nguồn lợi, dự kiến có kết quả vào cuối năm 2014 để có thể phân bổ 2.087 chiếc tàu cho các tỉnh, thành phố, đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ”, ông Tám nói.

Thành Chung
Theo chinhphu.vn