Cho phép chuyển đất lúa sang cây lâu năm

Cho phép chuyển đất lúa sang cây lâu năm
Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP (Nghị định 01) sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tại nghị định này, đã bổ sung nhiều quy định mới cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm.

 

Đây được xem là một bước đột phá về mặt hành lang pháp lí để cởi trói cho việc chuyển đổi đất lúa trong thời gian tới.

Theo Điều 2 của Nghị định 01 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai): Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định sau: Hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với UBND cấp xã nơi có đất. UBND cấp xã nơi có đất xem xét quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi.

Việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm phải không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại như không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm của xã.

Nghị định 01 đã có hiệu lực kể từ ngày 3/3/2017. Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT quy định cụ thể việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt chủ trì xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi đất lúa sang cây lâu năm, dự kiến sẽ trình Bộ NN-PTNT ban hành vào cuối năm 2017.

NNVN đã có cuộc trao đổi với GG.TS Nguyễn Hồng Sơn (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt về những định hướng khi xây dựng thông tư này.


 

Bốn định hướng lớn

Là cơ quan được Bộ NN-PTNT giao chủ trì lấy ý kiến xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 01 về việc chuyển đổi đất lúa sang cây lâu năm, Cục Trồng trọt sẽ đi theo những định hướng nào khi xây dựng dự thảo, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định Nghị định mới của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới SX hàng hóa một cách linh hoạt theo định hướng thị trường trong nước và quốc tế hiện nay, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực dài hạn.

Thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi đất lúa sang cây lâu năm tới đây một mặt phải tuân thủ Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ, nhưng không làm hạn chế tính năng động, sáng tạo, tính tự chủ của các địa phương, các DN và người dân khi chuyển đổi.

Mặt khác, đây cũng sẽ là “cái gậy” pháp lí để hạn chế việc chuyển đổi tùy tiện, tự phát diễn ra ở các địa phương hiện nay. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất một số nguyên tắc cơ bản để định hướng việc chuyển đổi sử đất nông nghiệp với định hướng góp phần chuyển đổi tận gốc và căn bản nền kinh tế nông nghiệp nước nhà trong giai đoạn công nghiệp hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của các địa phương, DN và nông dân.

16-39-46_10-54-00_ong20hong20trong20sc2020tri20thnh20cong20voi20cy20cm20vinh
Việc cho phép chuyển đất lúa sang cây lâu năm sẽ là thời cơ lớn cho cây ăn quả
 

Một là chuyển đổi đất lúa không chỉ phải bảo đảm được an ninh lương thực trong dài hạn, mà còn phải bảo đảm an ninh, an toàn dinh dưỡng và nâng cao thể lực con người Việt Nam. Luật Đất đai và các nghị định trước đây đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu nên đã dẫn đến hiện tượng mất cân bằng dinh dưỡng của người Việt Nam, ăn quá nhiều tinh bột, trong khi thiếu hụt protein, các vitamine, các chất khoáng và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. SX trong nước thừa gạo nhưng thiếu sữa, thiếu quả tươi, thiếu protein và axít amin tổng số. Do vậy, nguyên tắc đầu tiên của chuyển đổi đất lúa là phải đảm bảo quy hoạch cân đối nhu cầu tiêu dùng quốc gia.

Hai là chuyển đổi phải dựa trên lợi thế của vùng miền và lợi thế quốc gia. Theo đó sẽ phải căn cứ vào lợi thế và quy hoạch vùng, ví dụ sẽ có các vùng thích hợp chuyển đất lúa sang phát triển công nghiệp cây ăn quả; chăn nuôi và công nghiệp bò thịt, bò sữa; công nghiệp rau hoa quả và thủy hải sản XK… Do vậy, định hướng chuyển đổi đối với vùng núi và trung du sẽ khác với các vùng đồng bằng; vùng đồng bằng cao sẽ khác với vùng đồng bằng trũng thấp…

Thứ ba, hướng chuyển đổi sẽ ưu tiên cho mục tiêu từng bước đưa nước ta thành cường quốc XK thủy sản và rau hoa quả. Căn cứ phân tích thị trường quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển nông nghiệp mấy chục năm qua, Bộ NN-PTNT đã chủ trương sẽ ưu tiên phát triển SX và XK rau hoa quả và thủy hải sản. Chúng tôi cho rằng, chuyển đổi đất lúa theo nghị định mới trong thời gian tới phải phục vụ cho mục tiêu chiến lược này.

Trong thời gian tới, các địa phương cần chuẩn bị các tiền đề cần thiết để phát triển công nghiệp rau quả, hoa; công nghiệp thủy hải sản; công nghiệp thịt, trứng sữa; công nghiệp chế biến và phát triển thị trường ở tầm quốc tế.
 

Sẽ quy trách nhiệm, giám sát quy hoạch

Điểm mới của Nghị định 01 là cho phép chuyển đổi đất lúa sang cây lâu năm mà thủ tục khá đơn giản (hộ dân chỉ cần đăng ký nhu cầu chuyển đổi với UBND xã, UBND xã quyết định loại cây trồng), không cần phải xin phép Chính phủ hoặc thông qua nghị quyết HĐND cấp tỉnh như trước đây. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng mỗi nơi trồng một cây, mỗi vùng trồng một kiểu, khó mà hình thành nên được vùng SX hàng hóa?

Nghị định mới mặc dù cởi trói về chính sách, nhưng nông dân không thể ồ ạt chuyển đổi ngay. Tôi nhấn mạnh, việc chuyển đổi phải thực hiện một cách thận trọng, bám sát thông tin thị trường.

16-39-46_c2
Ảnh: Quỳnh Trang
 

Trước mắt, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lợi thế vùng miền để xác định cây trồng phù hợp cả về điều kiện tự nhiên, năng lực đầu tư, truyền thống và trình độ thâm canh của người dân, khả năng tiêu thụ sản phẩm để từ đó hướng dẫn nông dân chuyển đổi theo hướng mỗi vùng, mỗi địa phương một sản phẩm chủ lực, tránh tình trạng chạy theo phong trào, học tập lẫn nhau, không dựa trên phân tích thị trường có thể gây khủng hoảng thừa sản phẩm thì sẽ thiệt hại lớn do chí phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài.

Cái này chúng ta đã có nhiều bài học. Vì vậy, quan điểm chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm là phải gắn với quy hoạch sản phẩm của từng vùng, từng địa phương và gắn với tiêu thụ sản phẩm. Không chuyển đổi tự phát, manh mún, ai thích trồng gì, trồng thế nào thì trồng.

Như vậy, song song với việc xây dựng thông tư mới, chúng ta sẽ phải khẩn trương lập quy hoạch theo 3 trục sản phẩm (quốc gia, vùng và địa phương) cho các cây trồng chủ lực. Có thể trong quá trình xây dựng thông tư, chúng tôi phải tính đến quy định xác định trách nhiệm lập, bám sát và thực hiện đúng quy hoạch cho các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp phê duyệt chuyển đổi.

Quy hoạch ở đây không chỉ tính đến quy mô diện tích mà còn phải xác định vùng chuyển đổi lợi thế, phù hợp; tính đến thứ tự ưu tiên các vùng đất cần chuyển đổi; trình tự mở rộng vùng chuyển đổi ở từng địa phương, tránh tình trạng chuyển đổi tự phát, manh mún làm cho biến dạng các vùng đất lúa, gây khó khăn cho công tác điều tiết tưới tiêu, canh tác, bảo vệ… và cũng khó hình thành được vùng SX hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi cũng phải gắn với các chương trình khác như dồn điền đổi thửa, phân chia lại vị trí SX phù hợp để hình thành được vùng chuyên canh ở từng địa phương. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp nhưng không phải không làm được nếu các địa phương quyết tâm và có sự hỗ trợ về mặt pháp lý.

Trong quá trình xây dựng thông tư, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ Nghị định 01/2017/NĐ-CP để đề xuất, xin ý kiến các Bộ, ngành bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ đất lúa sang đất cây lâu năm và có thể kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nhưng phải phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa. Như vậy, sẽ không phải xin phép Chính phủ hoặc HĐND tỉnh.

Với tư cách là một nhà khoa học, ông có thể phác thảo bức tranh tổng thể sơ bộ một số cây lâu năm có triển vọng để thay thế đất lúa, cây gì nên trồng ở đâu?

Ngoài các yếu tố lợi thế về điều kiện tự nhiên, việc xác định quy hoạch các loại cây lâu năm khi chuyển đổi đất lúa tới đây sẽ phải tính tới sự phù hợp với chiến lược xây dựng mặt hàng nông sản quốc gia, nhất là căn cứ vào tình hình thị trường. Trên bình diện đó, cùng với một số cây công nghiệp lâu năm quan trọng đã cơ bản ổn định về quy hoạch như cà phê, cao su, chè, điều…, việc định hình các vùng trồng cây ăn quả trong toàn quốc (bao gồm cả việc thay thế một phần diện tích lúa) sẽ được ưu tiên tập trung vào 10 chủng loại chủ lực đã và đang có lợi thế.

Các tỉnh vùng ĐBSH sẽ có cơ hội bứt phá khi chúng ta có thông tư hướng dẫn cho phép chuyển đổi đất lúa sang cây lâu năm. Triển vọng nhất phải kể đến các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… là những tỉnh có thể mạnh về cây ăn quả như nhãn, vải, ổi, hoa, cây cảnh; sau đó là vùng ĐBSCL với các cây trồng lợi thế như cam quýt, xoài, sầu riêng, ổi, nhãn… Về vùng trồng gắn với chuyển đổi đất lúa, theo tôi có thể nêu một số ví dụ cụ thể như: Thanh long (Duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL); chuối ở Trung du MNPB (dọc các sông lớn) và ĐBSH; xoài ở ĐBSCL và duyên hải Nam Trung Bộ; dứa ở ĐBSCL và Bắc Trung Bộ; cam ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL; bưởi ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ và ĐBSH…

Xin cảm ơn ông!

Theo Quỳnh Trang/nongnghiep.vn