Choáng với giá thuốc

Nhiều loại thuốc đồng loạt tăng giá từ 7 - 10%, trong đó có những loại đặc trị đắt tiền.

Nỗi lo gánh nặng viện phí chưa dứt thì người bệnh đối diện giá thuốc phi mã. Ảnh: Ngọc Dung
Nỗi lo gánh nặng viện phí chưa dứt thì người bệnh đối diện giá thuốc phi mã. Ảnh: Ngọc Dung

 
Mua một hộp thuốc Glucophage XR trị tiểu đường tại một hiệu thuốc gần nhà, bà Nguyễn Hải Vân (65 tuổi, ngụ phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngỡ ngàng vì giá đã tăng so với tháng trước gần 30.000 đồng. Căn bệnh tiểu đường của mình không thể ngừng thuốc nên bà Vân đành trả tiền mà ấm ức: “Đúng là thuốc vô giá”.
 

Tăng phi mã
 

“Chưa khi nào giá thuốc lại tăng khủng khiếp đến vậy!” là nhận định của chị Minh Ngọc, chủ nhà thuốc GPP ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo chị Ngọc, thuốc rục rịch tăng giá từ tháng 6; đến đầu tháng 7, cửa hàng liên tiếp nhận được thông báo điều chỉnh giá của nhiều mặt hàng dược phẩm nhập khẩu mà chủ yếu có xuất xứ từ Pháp. Riêng Công ty Zuellig Pharma (ZPV) thông báo điều chỉnh giá 16 mặt hàng từ ngày 1/7/2012. Đó là các loại thuốc: Dalacin C 300mg (kháng sinh), Medrol 4mg và 16mg (kháng viêm), Neurontin 300mg (điều trị thần kinh), Amlor 5mg (điều trị tăng huyết áp, tim mạch), Proctolog (chữa bệnh trĩ), Zithromax (kháng sinh), Praxilene 200mg (trị bệnh tim mạch), Glucophage Xr Tab 500 mg (thuốc trị tiểu đường), Neurobion 500 (vitamin B1, B6, B12), Thyrozol 10 mg (trị các bệnh về tuyến giáp)… Tất cả những mặt hàng này đều tăng giá từ 7-10%.
 

Ngoài ra, một số thuốc tra mắt, nhỏ mắt của Công ty Alcon Pharmaceuticals như: Tobrex, Tobradex, Maxitrol… cũng đã có thông báo điều chỉnh tăng giá. “Những mặt hàng tăng giá dịp này chủ yếu là dòng thuốc đặc trị đắt tiền”, chủ một hiệu thuốc cho biết.
 

Không chỉ thuốc ngoại mà nhiều loại thuốc nội, thực phẩm chức năng cũng ào ào tăng giá. Tăng cao nhất vẫn là một số mặt hàng thực phẩm chức năng như: Nga Phụ Khang, Hoàng Thống Phong, trà Giảo cổ lam Tuệ Linh… Đặc biệt, sản phẩm Nga Phụ Khang đã được bán với giá 235.000 đồng/hộp, trong khi vài tháng trước chỉ 150.000 đồng/hộp.
 
Ở TPHCM, có mặt tại một số nhà thuốc trên đường Tam Bình (quận Thủ Đức), Hai Bà Trưng (quận 1), Thành Thái (quận 10)…, chúng tôi ghi nhận nhiều loại thuốc đã tăng giá như Panadol, thuốc ho trẻ em, thuốc trị sốt và đường hô hấp có kháng sinh Acemuc 100mg... Theo chủ các nhà thuốc, từ giữa tháng 6 đến nay, các hãng dược đã thông báo điều chỉnh giá bán lẻ. “Chúng tôi không muốn bán thuốc giá cao nhưng các hãng dược cứ “té nước theo mưa”, thấy giá xăng dầu, USD tăng là họ đòi tăng theo”, chủ một nhà thuốc nói.
 

Trao đổi với một số công ty dược phẩm tại Trung tâm Dược phẩm sỉ Codupha và Tô Hiến Thành (quận 10), các doanh nghiệp này cho biết đã có một đợt tăng giá mới. Hiện các công ty dược phân phối và đầu mối nhập khẩu đã báo giá tăng trung bình 10-15%, có loại tăng đến 30%.
 
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh dược, trong tháng 6 vừa qua, có 28 lượt mặt hàng thuốc nội tăng giá với tỉ lệ trung bình khoảng 9,3% và có 6 lượt mặt hàng giảm giá với mức 3%.
 
Người bệnh lãnh đủ!
 

Với thâm niên gần 15 năm kinh doanh thuốc chữa bệnh, chị Minh Ngọc cho biết các loại thuốc của Pháp dù giá khá cao, có khi từ vài trăm đến cả triệu đồng một hộp, nhưng vẫn có một lượng khách hàng rất lớn. “Đợt tăng giá này sẽ tác động nhiều đến những người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường bởi thuốc kháng sinh có thể dùng 5 đến 10 ngày là xong nhưng với các bệnh mãn tính thì phải dùng đều đặn”- bà Nguyễn Hải Vân nhận định.
 
Tuy nhiên, điều mà cả người bán lẫn người mua đều băn khoăn là tại sao giá thuốc lại tăng mà không có những lý do cụ thể. “Trước đây, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng… thì còn có lý để nói với khách hàng rằng do tác động của yếu tố đầu vào nhưng nay, khi khách hàng thắc mắc thì chúng tôi chỉ biết “đổ” tại nhà sản xuất, nhà phân phối. Thế nhưng mấy ai tin, họ chỉ nghĩ nhà thuốc đang bắt chẹt người bệnh”, chị Hoàng Oanh, bán thuốc ở phố Phương Mai, quận Đống Đa,  Hà Nội, phân trần.
 
Theo PGS. TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, đến nay tại Việt Nam đã có hàng chục công ty dược sản xuất được thuốc generic (thuốc gốc) với giá rẻ hơn và tương đương với thuốc của nước ngoài. Nhiều loại thuốc về tim mạch, thần kinh, chống ung thư hay viêm gan… đã được các bệnh viện ủng hộ. “Về lâu dài, chắc chắn những loại thuốc do Việt Nam sản xuất sẽ dần thay thế những loại thuốc ngoại đắt tiền”, ông Tuấn khẳng định.
 

Bị làm giá trước khi đến tay người bệnh (?)
 
Theo quy định mới nhất về quản lý giá thuốc dành cho người, đối với các trường hợp kê khai lại giá thuốc, chậm nhất 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ kê khai lại giá theo đúng hướng dẫn, nếu phát hiện giá thuốc kê khai lại không hợp lý thì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hoặc sở y tế các địa phương sẽ có ý kiến bằng văn bản về giá thuốc kê khai lại và nêu rõ lý do. Sau thời gian này, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì đương nhiên thuốc được điều chỉnh theo đề xuất của nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu. Một trong những yếu tố để xem xét tính hợp lý của giá thuốc là xác định giá thuốc ở những nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam để làm cơ sở so sánh với giá thuốc trong nước. Tuy nhiên, đây vẫn đang là một thách thức đối với cơ quan quản lý. Vì thế, không ít người lo ngại rằng thuốc đã bị làm giá trước khi đến tay người bệnh.
 

 Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

 Theo Dân Trí