Chống hạn giữa… mùa đông!

Chống hạn giữa… mùa đông!
Dù đang trong mùa mưa lũ, nhưng thiếu nước lại trở thành mối lo ngại của các ngành chức năng lẫn bà con nông dân. Lo lắng này tuy mâu thuẫn, song không phải không có cơ sở khi dung tích nước tại các hồ chứa giảm mạnh...

Những con số báo động

Kẻ Gỗ là hồ chứa lớn nhất tỉnh, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước tưới cho hơn 13.000 ha/vụ thuộc địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Tuy vậy, đến ngày 30/10/2014, mực nước của hồ chỉ đạt 22m, tương ứng dung tích 106 triệu m3, có nghĩa chỉ đạt 30-40% thiết kế. Tình trạng thiếu nước giữa mùa đông không chỉ diễn ra ở hồ Kẻ Gỗ mà là “mẫu số chung” của hầu hết các hồ đập ở Hà Tĩnh hiện nay.

Chống hạn giữa… mùa đông!

Đến ngày 30/10/2014, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 22m tương ứng dung tích 106 triệu m3, chỉ đạt từ 30 - 40 % thiết kế.

Ông Bùi Đức Hoàn - Phụ trách Phòng Quản lý khai thác - Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Công ty quản lý 28 hồ chứa, 6 đập dâng và 1 cống ngăn mặn, giữ ngọt tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê và TP Hà Tĩnh. Nhìn chung, đến thời điểm này, dung tích các hồ chứa rất thấp”.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa 10 tháng đầu năm nay tại các trạm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 38,4-50,8% so với cùng kỳ năm 2013 và chỉ đạt 52,5-64,8% so với trung bình nhiều năm (TBNN) trước. Đây là nguyên nhân chính khiến mực nước các hồ thấp. Theo đó, lượng mưa của vùng Kẻ Gỗ tính đến ngày 30/10 là 1.251 mm, đạt 48% so với TBNN; sông Rác 1.231,5 mm, đạt 40% so với TBNN…

Được biết, năm 2015, tình trạng hạn hán sẽ căng thẳng hơn khi Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện tượng Elnino có khả năng xuất hiện ngay từ những tháng cuối năm 2014, đầu 2015, kéo theo nhiệt độ tăng, lượng mưa thiếu hụt… Hồ đập cạn nước là hậu quả của sự biến đổi khí hậu, song chất lượng công trình hồ đập xuống cấp do xây dựng từ lâu cũng làm thất thoát lượng nước lớn hàng năm. Các hồ: Sông Rác, Thượng Tuy, Thiên Tượng; đập Đợi… đều nằm trong số đó. Nếu thực trạng này kéo dài sẽ rất bất lợi đối với vụ xuân sắp tới, thậm chí, vụ hè thu 2015 có thể sẽ thiếu nước tưới…

Chủ động biện pháp ứng phó cho vụ xuân 2015

“Thạch Hà có hơn 20 hồ chứa, nhìn chung, mực nước đều thấp, đó là chưa nói đến tình trạng rò rỉ, xuống cấp do công trình không được tu sửa. Năm 2013 và những tháng đầu năm nay, địa phương khá chật vật trong việc huy động nguồn nước tưới tiêu, đặc biệt là vụ hè thu. Hơn 100 ha thuộc các xã cuối nguồn Kẻ Gỗ như Thạch Vĩnh, Thạch Thanh, Thạch Tiến, Việt Xuyên… đều thiếu nước tưới trầm trọng. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nỗi lo lại càng hiện hữu. Chúng tôi đang lên kế hoạch, phương án sản xuất cụ thể, tránh để diện tích bỏ hoang lớn do thiếu nước”, ông Trần Xuân Hòa – Phó phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà chia sẻ.

Chống hạn giữa… mùa đông!

Để tránh “vỡ kế hoạch” sản xuất vì thiếu nước, các địa phương cần bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý.

Ông Ngô Đức Hợi – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của Elnino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Theo đó, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, lập kế hoạch tích nước các hồ chứa phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng tình hình hạn hán; tập trung nguồn lực thi công, hoàn thành các công trình thủy lợi dang dở; cân đối nguồn nước, xây dựng phương án tưới phục vụ sản xuất vụ xuân 2015, có kế hoạch dành nguồn nước cho sản xuất hè thu 2015”.

Để tránh “vỡ kế hoạch” sản xuất vì thiếu nước, trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước, các địa phương cần bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với các vùng thường xuyên thiếu nước, xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước tưới hơn, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, quản lý chặt nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát; tăng cường biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn giá trị cao…

Bên cạnh đó, sự chủ động của bà con nông dân thực sự cần thiết. “Tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương, khơi thông dòng chảy, lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đủ điều kiện dẫn nước từ đầu mối tới mặt ruộng. Đồng thời, sử dụng nước tiết kiệm, đắp bờ vùng, bờ thửa, tận dụng nước mưa phục vụ sản xuất, phối hợp tốt với công ty áp dụng biện pháp tưới theo đợt, không tưới sâu, chỉ tưới đủ nước cho lúa sinh trưởng bình thường” - Phụ trách Phòng Quản lý Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh - Bùi Đức Hoàn khuyến cáo.

Thu Phương
Nguồn baohatinh.vn