Chủ tịch Quốc hội: An toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc

Chủ tịch Quốc hội: An toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc.

 

Sáng 22/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo về công tác kiệm kỳ XIII của Quốc hội. Trong báo cáo này, về mảng thực hiện chức năng lập hiến, lập láp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lập hiến, lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, nặng nề của Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội đã tập trung, nỗ lực thực hiện tốt chức năng này và đạt được kết quả nổi bật, hết sức quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, an toàn thực phẩm đang là một trong những vấn đề gây bức xúc. Ảnh TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, an toàn thực phẩm đang là một trong những vấn đề gây bức xúc. Ảnh TTXVN

Những vấn đề này Quốc hội đã có nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả, chưa tạo được chuyển biến tích cực. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế.

Mặt khác cũng có phần do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa quan tâm thỏa đáng đến việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất; đại biểu Quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết.

Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 sát thực tiễn hơn;

Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước: Có thể khẳng định hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, tăng cường theo hướng ngày càng hiệu quả hơn, tác động chuyển biến trong nhận thức về vai trò của hoạt động giám sát tối cao, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, giải quyết những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra, thúc đẩy chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Về hoạt động đối ngoại: Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã có sự chuyển biến rất tích cực, nổi bật, để lại ấn tượng tốt đẹp, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nhân dân; nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, công tác đối ngoại nhiệm kỳ khóa XIII đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo về đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI.

Các hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, phối hợp đồng bộ và hiệu quả với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, nâng cao vị thế của đất nước.


Theo Minh Anh/Báo Gia đình & Xã hội