Chưa rõ mô hình, tính chất của “chính quyền địa phương”

(Chinhphu.vn) - Sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 13 - 14/3, tại Hà Nội.
Chưa rõ mô hình, tính chất của “chính quyền địa phương”

Theo Báo cáo của Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những ngày qua, nhân dân các địa phương đã tích cực hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đặc biệt, qua tổng hợp bước đầu, đa số ý kiến đều đồng tình và đánh giá cao nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tập trung vào một số vấn đề lớn như: nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước; vai trò lãnh đạo của Đảng; về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; về bảo vệ Tổ quốc; về chính quyền địa phương… Đây là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung thảo luận tại hội nghị.

Trong phiên thảo luận chiều 13/3, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã dành nhiều ý kiến đóng góp đối với Chương IX về Chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó  Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng quy định về HĐND, UBND tại Chương IX của Hiến pháp năm 1992 được thay thế bằng tên gọi “Chính quyền địa phương” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa thể hiện rõ được mô hình, tính chất của cơ quan này.

Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy dự thảo thể hiện chưa rõ mô hình, tính chất của chính quyền địa phương, bao gồm 2 cơ quan là UBND, HĐND hay còn các cơ quan khác.

Trong việc quy định “chính quyền địa phương” nhằm nâng cao tính năng động, tự chịu trách nhiệm của cấp này, ông Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung  phân tích các phương án để xây dựng Chương IX phù  hợp hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch đưa ra ý kiến rằng  “nước ta có diện tích nhỏ, không nhất thiết chia đến 4 cấp chính quyền như trong dự thảo. Nên chỉ có 3 cấp: Quốc gia, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở”.

Các cấp chính quyền cần tuân thủ nguyên tắc những gì cấp cơ sở làm được thì cấp trung gian không làm. Cấp trung gian làm được thì cấp trung ương không làm để tập trung điều hành kinh tế, xã hội mạnh mẽ hơn, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đại biểu này cũng cho rằng dự thảo quy định HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương là “nhầm lẫn”, mà quyền lực Nhà nước thực hiện qua các nhánh toà án, viện kiểm sát…  Còn HĐND là thực hiện việc hành pháp của Chính phủ trên địa bàn và là đại diện cộng đồng quyết định các lợi ích của cộng đồng không trái lợi ích quốc gia.

Phân tích điều chưa rõ của chương này, đại biểu Phạm Đức Châu (Phó Trưởng đoàn  đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng những vấn đề quan trọng của bộ máy nhà nước phải được quy định tại Hiến pháp, ít nhất là phải khẳng định có mấy cấp chính quyền, chính quyền gồm bộ phận nào, hoạt động ra sao, có chức năng gì? Không nên để lại cho luật quy định là có hay không có HĐND (tùy vào từng địa phương thực hiện hay không thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND).

Do đó, đại biểu cho rằng “Chúng ta thí  điểm không tổ chức HĐND ở các cấp để phục vụ sửa đổi Hiến pháp, đằng này chúng ta sửa Hiến pháp để phục vụ thí điểm”.  Đại biểu đề nghị nếu thí điểm không tổ chức HĐND chưa có kết quả chính xác thì nên tạm lùi việc quy định chính quyền địa phương.

Thành Chung

chinhphu.vn