Chuẩn nghèo mới: Hộ nghèo, cận nghèo có thể chiếm đến 20%

Tiêu chí chuẩn nghèo theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang lấy ý kiến công khai, sẽ chuyển từ phương pháp tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
Chuẩn nghèo mới: Hộ nghèo, cận nghèo có thể chiếm đến 20%
Ảnh minh họa

Phương pháp này kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu trong đo lường nghèo bằng phương pháp thu nhập vốn đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh thay đổi cơ cấu kinh tế và đô thị hóa hiện nay.

Chuẩn mức sống tối thiểu sẽ từ 1 triệu đồng/người/tháng

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), sẽ có 3 tiêu chí thu nhập để đo lường nghèo đa chiều. Trong đó, chuẩn mức sống tối thiểu cho cả giai đoạn dự kiến sẽ từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Với phương án này, dự báo cả nước sẽ có khoảng 16-20% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,82- 4,27 triệu hộ, trong đó khu vực thành thị khoảng 11,23% và khu vực nông thôn khoảng 20,61%.

Các tiêu chí tiếp theo, Bộ LĐTB&XH cho biết, gồm chuẩn nghèo chính sách được áp dụng bằng 80% và chuẩn mức sống trung bình cao gấp 1,5 lần chuẩn mức sống tối thiểu.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, chuẩn nghèo chính sách được xây dựng dựa trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chi tiêu lương thực, thực phẩm và một số nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở. Theo đó, tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm đến năm 2015 khoảng 600 ngàn đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 700 ngàn đồng/người/tháng khu vực thành thị; chi phí đáp ứng cho 3 nhu cầu cơ bản là y tế, giáo dục, nhà ở khoảng 200 ngàn đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 300 ngàn đồng/người tháng khu vực thành thị.

Trên cơ sở các tính toán trên, chuẩn nghèo chính sách sẽ từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và 800 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; chuẩn mức sống trung bình từ 1,95 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và  1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.

Hai tiêu chí xác định chuẩn nghèo

Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc xác định mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản sẽ căn cứ vào 5 tiêu chí là y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Trong đó các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Ngưỡng thiếu hụt đa chiều đối với một hộ gia đình là từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Dự thảo cũng quy định, hộ nghèo là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; và có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách đến chuẩn mức sống tối thiểu và từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách đến chuẩn mức sống tối thiểu, và dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu và từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Cuối cùng, hộ có mức sống dưới trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ dưới chuẩn mức sống trung bình và cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu.

Theo phương án này, Bộ LĐTB&XH dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cả nước đến năm 2015 trong khoảng từ 16-20%. Cũng theo Bộ này, đã 6 lần chuẩn nghèo được điều chỉnh theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo.

Thông qua việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ trên 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011); 9,7% (năm 2012); 7,8% (năm 2013), 5,97% (năm 2014) và dự kiến còn khoảng 4 - 4,2% vào cuối năm 2015, bình quân cả nước giảm 2%/năm, đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên trong các giai đoạn trước, chuẩn nghèo được đo bằng chi tiêu cho lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sinh hoạt bình thường của con người, khoảng 2.100 Kcal/người/ngày và nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm. Song, việc áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã dẫn đến sự phân loại đối tượng chưa thực sự chính xác, không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân./.

Ở giai đoạn 2011 – 2015, quy định hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống và hộ nghèo ở thành thị thu nhập bình quân từ 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401 nghìn đồng đến 520 nghìn đồng/ người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501 nghìn  đồng đến 650 nghìn đồng/ người/tháng.
Theo Bùi Lan/thoibaotaichinhvietnam.vn