Chương trình 135 giai đoạn III: Giảm hộ nghèo xuống dưới 35%

heo điều tra cơ bản năm 2012 của Ủy ban Dân tộc (UBDT), tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn chiếm tới 45%, thậm chí có xã 70-80% số hộ thuộc diện nghèo; cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ.

Đó là lý do để UBDT xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình 135 (CT 135) giai đoạn III.

Chương trình 135 giai đoạn III sẽ đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh.

Khoảng cách còn xa

Thực hiện từ năm 1998, Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng đồng bào dân tộc (CT 135) đến nay đã trải qua 2 giai đoạn. Theo đánh giá, CT 135 đã mang lại sự thay đổi rất lớn, đời sống của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở nhiều nơi đã được nâng cao, bộ mặt nông thôn miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đặc biệt khó khăn, miền núi…

Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan cho biết: CT 135 giai đoạn II thực hiện trên địa bàn 1.848 xã và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 50 tỉnh, 356 huyện... Qua tổng kết cho thấy, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh (bình quân 3,6%/năm); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp xã được nâng lên một bước; tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá; tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hoá, công trình thuỷ lợi tăng lên đáng kể; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Theo UBDT, CT 135 giai đoạn I, II có kết quả tích cực, nhưng so với bình diện chung của cả nước thì trình độ phát triển, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn có khoảng cách khá xa. CT 135 giai đoạn I, II đề ra mục tiêu phấn đấu cao với nhiều chỉ tiêu, song định mức vốn cho xã, thôn, bản thấp, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cụ thể: Vốn đầu tư hỗ trợ trong 5 năm bình quân mới đạt 5,2 tỷ đồng/xã và 0,65 tỷ đồng/thôn, trong khi nhu cầu đầu tư thực tế cho thấy hỗ trợ bình quân mỗi xã phải tầm 20 tỷ đồng và mỗi thôn, bản từ 3 - 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho người dân chưa thực sự được cân bằng. Tại một số vùng, đồng bào dân tộc vẫn chưa có điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống… “Đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, khả năng nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế. Trong cùng một lúc thực hiện nhiều công việc, nên nhiều công trình thiết yếu, nội dung hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả tổng thể... Đây cũng chính là lý do cấp thiết để chúng ta tiếp tục xây dựng CT 135 giai đoạn III…” - ông Sơn Phước Hoan cho biết.

Phát triển bền vững vùng DTTS

Theo Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, CT 135 giai đoạn III sẽ có nhiều đổi mới so với 2 giai đoạn trước. Sẽ có những giải pháp tổ chức thực hiện để phát huy kết quả đã đạt được nhằm khắc phục những hạn chế trước đây, thực hiện thành công việc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc. Vì vậy, theo đề án UBDT trình Thủ tướng Chính phủ, các nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong năm 2014 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm: Nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS nghèo để họ biết kết hợp sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước với phát huy nội lực, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vốn đầu tư hỗ trợ trong 5 năm bình quân mới đạt 5,2 tỷ đồng/xã và 0,65 tỷ đồng/thôn, trong khi đó nhu cầu đầu tư thực tế phải hỗ trợ bình quân mỗi xã tầm 20 tỷ đồng và mỗi thôn, bản từ 3 - 5 tỷ đồng.

CT 135 giai đoạn III sẽ đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, lớp mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn đang còn thiếu và yếu. CT 135 giai đoạn III cũng sẽ hỗ trợ một phần giống, vốn, thuốc bảo vệ thực vật, thú y kết hợp với nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất mới, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả để người dân thay đổi tập quán sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với những nội dung hỗ trợ, đầu tư phát triển như vậy, CT 135 giai đoạn III phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn xuống dưới 35% và còn dưới 15% vào năm 2020; hết năm 2015 có 20% số xã, 30% số thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và đến năm 2020 sẽ cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn...

Theo danviet.vn