Chuyển đổi HTX kiểu mới: Những rào cản chưa dễ vượt qua...

Chuyển đổi HTX kiểu mới: Những rào cản chưa dễ vượt qua...
Theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), các địa phương phải tổ chức chuyển đổi các HTX sang hình thức mới trước ngày 1/7/2016; các HTX hoạt động không bảo đảm theo quy định của Luật HTX sẽ bị giải thể. Thời gian không còn nhiều nhưng tính đến đầu tháng 4/2016, Hà Tĩnh mới có 260/579 HTX thực hiện chuyển đổi theo luật định...

chuyen doi htx kieu moi nhung rao can chua de vuot qua

HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải (Cẩm Dương - Cẩm Xuyên) đã khẳng định được thế mạnh khi hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Dù vào cuộc từ khá sớm nhưng tiến độ chuyển đổi HTX theo Chỉ thị 19 của Chính phủ ở Hương Khê vẫn khá chậm. Theo Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Dương Ngọc Hoàng, có rất nhiều nguyên nhân khiến quá trình chuyển đổi HTX trên địa bàn Hương Khê chậm. Song, vấn đề cốt lõi chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém của các HTX và chính quyền địa phương.

Điều dễ nhận thấy là nhiều HTX hoạt động thiếu hiệu quả, không có phương án SXKD, chưa năng động trên thị trường, năng lực lãnh đạo HTX không đáp ứng được yêu cầu cần sớm chuyển đổi, thay đổi cách hoạt động nhưng những người già cả, có tâm huyết còn mang tư tưởng cũ, hoặc năng lực quán xuyến công việc không đảm bảo trong khi những người trẻ lại thiếu mặn mà. Có trường hợp, những người có đủ năng lực, muốn vào làm HTX nhưng chính quyền lại muốn giữ để đào tạo cán bộ cấp thôn, xóm cho địa phương. Thậm chí, có xã vẫn cho rằng, HTX là một đơn vị cơ sở của UBND xã, hoạt động dưới sự lãnh đạo của UBND. Chính tư tưởng chủ quan này đã vô hình trung triệt tiêu tính tự chủ và phát triển của HTX.

Bên cạnh những tồn tại trên, một số HTX hoạt động hoàn toàn theo mô hình HTX kiểu cũ, cung ứng dịch vụ thủy lợi, không có sự góp vốn từ các thành viên, nguồn thu hàng năm dựa vào thủy lợi phí của Nhà nước. Những HTX hoạt động nhờ nguồn ngân sách hỗ trợ, không mở rộng thêm dịch vụ khác để tăng thu nhập cho các thành viên sẽ rất khó hoạt động lâu dài, hoặc khó phát triển trong xu thế hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều HTX khác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chủ yếu thực hiện công tác trung gian cung cấp vật tư nông nghiệp nhưng lại thiếu kiến thức, không thể tư vấn kỹ thuật cho người nông dân, thiếu năng động. Các HTX hoạt động trên lĩnh vực thu mua nông sản chịu sự cạnh tranh lớn của các thương lái trong khi nguồn vốn ít hơn, hoạt động khó khăn nên các xã viên chán nản. Nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, nhiều khả năng phải giải thể như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Điền (xã Phương Điền), HTX Chăn nuôi Cường Thịnh (Phúc Đồng), HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Thuận (thị trấn Hương Khê), HTX Kinh doanh tổng hợp Huy Hoàng (Phúc Đồng)…

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Điền - Phan Trọng Quyền cho biết, trước đây, HTX chủ yếu hoạt động theo các lĩnh vực cung cấp dịch vụ thủy lợi, bảo vệ hoa màu nhưng nguồn thu chỉ dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước, người dân không trả thủy lợi phí, một số đơn vị thuê ngoài hoặc không sử dụng dịch vụ bảo vệ, do đó, hoạt động của HTX ngày càng khó khăn.

Ở TP Hà Tĩnh, việc chuyển đổi HTX cũng khó khăn không kém. Ông Lê Đình Cư - chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng cho biết, dù chính quyền đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng quá trình chuyển đổi HTX vẫn ì ạch. Đến đầu tháng 4/2016, thành phố mới có 11/26 HTX thực hiện chuyển đổi.

Cũng theo ông Cư, cái khó trong việc chuyển đổi xuất phát từ chính các HTX. “HTX là những tổ chức kinh tế độc lập, chính quyền không được can thiệp vào các hoạt động của họ. Do đó, nhiều HTX hoạt động không hiệu quả, hoặc xảy ra tranh chấp nội bộ, nhưng giải thể cũng rất khó”.

Ông Cư tiếp tục dẫn chứng, HTX Bồng Sơn (phường Nam Hà) hoạt động không hiệu quả, các xã viên tổ chức bầu giám đốc mới nhưng giám đốc cũ không chấp hành, cho rằng, việc bình bầu thiếu khách quan và không bàn giao con dấu; do đó, giám đốc HTX mới cũng không đủ khả năng pháp lý để tổ chức sản xuất. Khi cơ quan chức năng tiến hành thu hồi đất, các thành viên HTX không chịu hợp tác mà tìm cách lẩn tránh...

Ông Lê Đăng Phúc - Trưởng phòng Tuyên truyền chính sách (Liên minh HTX Hà Tĩnh) cho biết: Đối với những HTX cũ, thành lập từ lâu rất khó chuyển đổi do số lượng thành viên lớn, khó xác định lại nguồn vốn của thành viên, hạ tầng xuống cấp, việc tổ chức lại bộ máy lãnh đạo gặp khó khăn, không đáp ứng yêu cầu khắt khe của Luật HTX kiểu mới. Chẳng hạn, HTX Quỳnh Lương (TX Hồng Lĩnh) với số xã viên lên đến 1.400 người, dù được hướng dẫn nhiều lần nhưng vẫn khó khăn trong việc tổ chức đại hội thành viên.

Bên cạnh đó, đa số giám đốc và kế toán của các HTX quá non yếu về nghiệp vụ do xuất thân từ nông dân nên không kiểm kê, định giá được tài sản, không xác định được nguồn vốn đi vay, nguồn vốn hoạt động, nguồn vốn chủ sở hữu. Thậm chí, nhiều HTX có số nợ lớn, không có xã viên dám gánh vác trách nhiệm lãnh đạo. Từ đó, dẫn đến việc các HTX không hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định của việc chuyển đổi. Cùng với yếu tố chủ quan là đa phần các cán bộ HTX có tư tưởng ỷ lại, thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Về phía người dân, hiện nay có nhiều hình thức làm kinh tế cá thể khác nên phần nào không còn mặn mà với hình thức tổ chức sản xuất tập thể.

(Còn nữa)

Theo Dương Chiến/baohatinh.vn