Chuyện hiếm: Chỉ một thôn thu 16 tỷ đồng từ nuôi gà sinh sản
- Thứ năm - 13/09/2018 06:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gà ri giống bố mẹ
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, được coi là địa phương đã chuyển đổi rất thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, trong đó ngành trồng trọt đã chuyển đổi được hơn 100ha ruộng lúa năng suất bấp bênh, sang trồng ổi lê và cây ăn quả có múi, lợi nhuận tăng 5 - 7 lần so với cây trồng cũ (lúa).
Hiện đã chuyển đổi toàn bộ đàn gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn (trang trại hoặc gia trại). Riêng thôn Đồng Tỉnh đã chuyển sang chăn nuôi gà sinh sản từ năm 2008, hiệu quả sản xuất đạt được rất cao. Trong 8 tháng đầu năm 2018, các hộ đã có lợi nhuận gần 16 tỷ đồng.
Ông Vũ Đình Sắc, Trưởng thôn Đồng Tỉnh cho biết: Toàn thôn có 70 gia đình chuyên nuôi gà sinh sản. Bình quân mỗi hộ nuôi 500 - 700 gà đẻ các loại. Một số gia đình nuôi tới 2.000 gà mái đẻ. Chủ yếu chăn nuôi ở quy mô gia trại. Áp dụng quy trình nuôi gà an toàn sinh học. Giống nuôi cơ bản là gà lai Đông Tảo. Hiện tại mỗi ngày các trại gà trong thôn, có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 nghìn gà bóc trứng chất lượng cao, doanh thu 170 triệu đồng, lợi nhuận ước thu 80 triệu đồng/ngày.
Nét mới trong chăn nuôi gà sinh sản ở thôn Đồng Tỉnh là nhà nông đã thực hiện liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó một số nông hộ có sở trường kinh doanh, đã chuyển thành thương lái chuyên mua gom, tiêu thụ gà ấp nở trong thôn (thông qua các chủ lò ấp trứng).
Một số chủ gia trại có năng lực tổ chức kinh doanh đã đầu tư lò máy để vừa làm dịch vụ ấp nở trứng gia cầm, vừa là đầu mối bao tiêu gà bóc trứng cho nhà nông (thông qua thương lái). Nhờ vậy, các hộ không phải lo đầu ra sản phẩm, chỉ tập trung khai thác trứng đúng kỹ thuật, đưa tới các chủ lò ấp theo đơn giá hợp đồng.
Một lò ấp trứng
Chị Quản Thị Tâm, thôn Đồng Tỉnh có 10 chủ lò ấp trứng gia cầm. Mỗi chủ lò đầu tư 3 - 4 máy ấp. Công suất 1,4 - 1,8 vạn trứng/1 máy. Do vậy, ngoài đảm bảo ấp nở hết lượng trứng sản xuất ra từ các trại gà trong thôn, các chủ lò còn nhận hợp đồng ấp nở và bao tiêu con giống cho nhiều hộ ở địa phương khác.
Gia đình chị Tâm cũng đầu tư 7 máy ấp trứng, mỗi ngày ấp nở và bao tiêu cho người chăn nuôi sở tại, trên 2.000 gà con bóc trứng, trừ các khoản chi tiền điện, khấu hao máy ấp, thuê mướn công lao động... còn lãi được 700 nghìn đồng/1 ngày.
Bà Ngô Thị Liên, chủ hộ nuôi gà sinh sản cho hay, chăn nuôi gia cầm nói chung, gà sinh sản nói riêng có lợi thế, không phải giãi nắng dầm mưa, ít bị rủi ro thiên tai, úng ngập, chuồng trại đơn giản, diện tích sản xuất nhỏ, không phải tiếp xúc với các hoá chất độc hại như cây trồng, hiệu quả chăn nuôi đạt khá cao...
Tuy nhiên, để nuôi gà sinh sản đạt hiệu quả cao bền vững, cần định kỳ tẩy trùng vệ sinh chuồng trại, vacxin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ, đúng lịch thú y. Đặc biệt chú ý phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, và những ngày mưa gió ẩm ướt. Máng ăn, bình uống nhất thiết phải tẩy rửa vệ sinh hàng ngày. Vì trong quá trình ăn/uống, rớt rãi của gà để lại trên máng/bình sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn lây nhiễm và phát sinh thành dịch.
Khả năng chịu nóng của gà tốt hơn chịu lạnh. Nhưng trong các ngày nắng nóng gay gắt, vẫn cần bổ sung chất điện giải cho gà uống để tăng sức đề kháng. Ngày mùa đông và các thời điểm sương giá, tối trời cần có rèm che kín để tránh gió lùa vào chuồng trại.
Những ngày nắng ráo có thể 7 - 10 ngày phun tẩy trùng chuồng trại/1 lần, nhưng các ngày trời mưa, ngày có độ ẩm không khí cao (trên 80%) thì 2 - 3 ngày phải khử trùng chuồng trại (diệt trùng dùng bằng vôi bột hoặc chế phẩm vi sinh, tránh dùng bình phun xịt để không làm tăng độ ẩm trại nuôi).
Nhờ có nghề nuôi gà sinh sản phát triển, thôn Đồng Tỉnh đã tạo thêm được rất nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các lao động nông nhàn sở tại như dịch vụ cung ứng thức ăn và thuốc thú y, bao tiêu con giống...
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, các trại gà đã tạo ra khối lượng phân chuồng rất lớn, giúp địa phương đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng theo hướng hữu cơ bền vững.