Chuyện thời sự ở nông thôn: Bài 3 - Hạt gạo chìm, bếp củi trở lại
- Thứ năm - 23/05/2019 23:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chìm nổi cùng hạt thóc
Chị Đinh Thị Dôi làng Đới Khê, xã Đặng Lễ (Ân Thi, Hưng Yên) cấy 7 mẫu ruộng. Vụ xuân ít sâu bệnh chị phun thuốc 4 lần, vụ mùa phun tới 5-6 lần, đồng nghĩa mỗi năm đeo trên lưng khoảng 500 bình tổng cộng 8.000 lít dung dịch độc hại. Với mức công 30.000đ/bình, làm nông không tự phun thuốc thì chẳng hi vọng tí lời lãi nào. Phun nhiều thành quen đến nỗi chị không có một động tác thừa. Thuốc bột phải vừa pha vừa lắc khá cách rách mà mỗi giờ chị phun được 2 bình còn thuốc nước chỉ việc đổ vào ngoáy mỗi giờ chị phun được tới 4 bình.
Chị Dôi cấy 7 mẫu ruộng, mỗi năm phải phun 500 bình thuốc như thế này. |
Tiếc đất nên trong làng, ngoài xóm hễ nhà ai bỏ ruộng chị lại lân la xin cấy thành ra là người có nhiều lúa nhất xã. Quần quật bán buồng gan, lá phổi cho các loại hóa chất độc hại phơi nhiễm vào, sản xuất với quy mô lớn mỗi vụ chị thu 13-15 tấn thóc, bán tươi ngay tại ruộng, trừ chi phí cũng được 15-20 triệu đồng.
Giờ đây, ở nông thôn không nhà nào còn tự hào dẫn khách vào buồng rồi vỗ bịch bịch cái thùng thóc hay cót thóc để khoe đầy, khoe nhiều nữa vì từ địa vị của hạt ngọc thóc gạo đã trở thành quá rẻ rúng. Ông Lê Tiến Lâm-Trưởng thôn Đặng Xuyên thống kê chi tiết chi, thu của 1 sào lúa như sau: 2 kg giống mất 120-150.000đ, phân các loại mất 120-150.000đ; cày bừa mất 160.000đ; gặt mất 130.000đ; thuốc sâu, thuốc bệnh mất 150-250.000, cấy mất 350.000đ, tổng cộng khoảng 1,1 triệu. Cuối vụ thu trung bình 2,2 tạ thóc, bán với giá 5.500đ/kg được 1,1 triệu đồng là vừa hay bằng nhau.
Cũng theo ông Lâm, 60-70% nông dân giờ phải thuê cấy vì làm ruộng chủ yếu là những người già, yếu không đủ sức làm nghề khác nữa nên cái khoản lấy công làm lãi 350.000đ ở khâu cấy kia nếu đem thuê là vừa hay hết. 30-40% còn lại tự cấy thì với 2 sào/khẩu, một vụ 4 tháng lãi được 700.000đ cũng chỉ coi như không phải đi đong thóc ăn.
Đó là khi mưa thuận gió hòa còn ngược lại không chỉ lỗ tiền bạc mà còn lỗ cả vào mồ hôi, nước mắt. Cách đây 6 năm, khi tôi lần đầu tiên viết về chuyện nông dân huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương làm đơn xin trả lại ruộng, sự lạ đã ồn ào tới tận hội trường quốc hội. Nhưng giờ đây bỏ ruộng đã là chuyện của hầu hết các xã tại miền Bắc.
Bà Vũ Thị Sinh ở làng Gạo Bắc, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi, Hưng Yên) kể với tôi chuyện thật mà ngỡ như đùa: “Nhà tôi có 8 sào lúa, do không đủ lao động nên muốn cho mượn vài sào nhưng mà không đắt! Họ bảo bây giờ muốn cho mượn ruộng thì gia đình phải cho thêm tiền cày, vụ xuân 100.000đ/sào, vụ mùa 120.000đ/sào. Tiền đâu ra mà cho nên thôi thì cố bôi ra cấy gọi là có màu xanh, được hột thóc nào thì ăn hột thóc nấy. Nhiều gia đình trong xã cũng không muốn cấy, chính quyền phải động viên các ban ngành, đoàn thể rồi xin giống về đem cho nên mới có chuyện một thửa ruộng nhưng hai ba loại thóc…”.
Vụ đông bây giờ thì hầu hết cả miền Bắc đều giảm mạnh, nhiều nơi đã bỏ hẳn như nên mỗi năm chỉ có hai vụ lúa, mỗi vụ mất chừng 20 công còn lại là thời gian nông nhàn. Đặng Xuyên là thôn lớn của xã Đặng Lễ với 400 hộ, số lượng lao động nông nhàn chừng 150-200 người, phần lớn ở vào độ tuổi lỡ cỡ 45-55. Do không có việc gì làm, sáng họ nấu cơm ăn, đưa cháu đi học xong 8-9h giờ là túm năm tụm ba dưới các gốc cây, lều quán ngồi trò chuyện, trưa ngả lưng xong 2-3 giờ lại tụ tập tiếp.
Cảnh nông nhàn thường thấy ở làng Đặng Xuyên. |
Lúc mới làm trưởng thôn, thấy cảnh ngồi lê đôi mách tràn ra cả đường làng, ngõ xóm đó quá chướng tai, gai mắt, ông Lâm ra đuổi nhưng cũng chỉ như đá ném ao bèo, sau chẳng có thời gian đâu mà bận tâm đến nữa.
Bếp củi quay trở lại
Từ hồi điện, xăng, gas tăng giá, cái bếp củi mấy năm nay bỏ không của nhà bà Vũ Thị Chính ở thôn Đặng Xuyên bỗng nhiên đỏ lửa trở lại. Ở vào cái tuổi 67, bệnh tật dầm dề mà bà vẫn phải lo toan đồng áng. Hơn 1 mẫu ruộng cấy chỉ đủ ăn, không có tiền tiêu nên để tiết kiệm bà đành phải dùng trở lại bếp củi, dù nó là cực hình trong những ngày hè như thế này.
Vì giá cả tăng, mọi người trở lại đun bếp củi. |
Theo ông Lâm trưởng thôn trước đây khoảng 70% người làng đun gas, đun điện nhưng đợt vừa rồi mọi thứ đều tăng trong khi lợn, lúa lại thất bát nên ước 50-70% phải quay lại với bếp củi. Bữa cơm trước đây thường có thịt, cá, đậu phụ thì giờ chủ yếu là đậu: “Tôi có lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng cộng thêm phụ cấp trưởng thôn được 1,5 triệu đồng/tháng mà 2 vợ chồng già cũng còn sống eo hẹp chứ đừng nói những nhà làm nông thuần túy”.
Giá lợn hơi thực tế giảm xuống còn xung quanh 30.000đ/kg mà vẫn khó tiêu thụ kéo theo giá các đối tượng chăn nuôi khác cũng phải giảm theo như quả trứng gà công nghiệp còn 800-1.000đ, quả trứng vịt còn 1.500-1.700đ, cá trắm, cá chép còn 50-55.000đ/kg…
Dạo này hễ mở mắt ra là anh Đinh Văn Đạt lại đau đầu khi chứng kiến cảnh đàn gà trống trong chuồng đánh nhau chí tử. Trại của anh nuôi 1,5 vạn gà trống lai Đông Tảo, cứ 5.000 con một lứa gối nhau để bán dần. Sau Tết giá còn được 100.000đ/kg nhưng về sau cứ giảm dần, hiện còn 70.000đ/kg trong khi giá thành đã là 75.000đ/kg khiến cho anh lỗ hơn 100 triệu.
Anh Đạt bên chuồng gà đã quá lứa mà vẫn bị ế |
Điều đáng nói là lượng tiêu thụ lại rất chậm, trước xuất mỗi tối cả tấn nay chỉ lai rai 1-2 tạ mà vẫn còn ế 800 con. Đám này đã nuôi sang tháng thứ 7, tốn thêm thức ăn, thuốc uống mà không lớn nữa đã đành còn suốt ngày đánh nhau đến chết khiến tỷ lệ hao hụt từ 3% vọt lên thành 5%: “Gà của tôi là loại cao cấp, phục vụ chủ yếu cho nhà hàng ngoài Hà Nội hay đám cưới, giỗ chạp ở quê. Giờ kinh tế đi xuống, nhu cầu giảm chỉ còn 1/3 so với mọi năm, nhất là vùng nông thôn, không còn mấy ai dám bỏ ra hơn 300.000đ để mua một con gà về liên hoan nữa”.
Ở nông thôn, giờ không còn sân kho hợp tác nữa nên vào vụ gặt người ta tận dụng mọi khoảng trống để phơi thóc kể cả sân UBND xã. Lắm nhà vừa tãi thóc ra, gặp cơn mưa rào bất chợt chỉ có nước ôm mặt mà khóc khiến cán bộ xã phải đổ ra chạy hộ. |
Lứa gà ế vẫn ngày ngày hăng say mổ nhau còn lứa tiếp theo cũng chỉ 1 tháng nữa là phải xuất bán khiến cho anh Đạt càng thêm sốt ruột khi nhẩm tính tiền thức ăn cho chúng mỗi ngày tốn tới 15 triệu đồng.
Lối thoát duy nhất
Cứ chiều chiều, người dân ở hai xã Cẩm Ninh và Đặng Lễ (Ân Thi, Hưng Yên) lại thấy cái ô tô khách cũ nát lượn khắp xóm làng vét cửu vạn đi bốc hàng ngoài chợ hoa quả Long Biên, Hà Nội. Lắm bữa vì bấn việc, chưa kịp ăn xong đã nghe còi xe giục giã liền vừa nuốt vừa chạy theo, miếng cơm ngắc ngứ mãi nơi cuống họng.
Vợ chồng anh chị Đào Văn Nguyên-Hoàng Thị Thảo thôn Nam Trì nằm trong số khoảng 10-15 người làng đi làm cửu vạn ở chợ Long Biên nhưng chỉ có điều họ tự đèo nhau bằng xe máy hơn 100km mỗi ngày chứ không dùng xe ô tô. Họ đến nơi là quãng 8 giờ tối, có hàng ngàn lao động đã chờ sẵn ở đó. Mỗi chuyến hàng nặng 5-7 tạ đẩy xa từ vài trăm mét đến 2 km được trả công 50-60.000đ nên cố gắng chen nhau mà chèo kéo. Xe nọ va vào xe kia, sắt thép va vào da thịt nên dập ngón chân, ngón tay cũng là chuyện thường chứ không nói đến các bệnh kinh niên khác của dân cửu vạn như thoái hóa cột sống hay giãn dây chằng.
Mẹ con cửu vạn Thảo. |
Tai nạn cũng không làm họ sợ bằng sơ ý làm đổ xe khiến hoa quả dập nát hay hớ hênh để bọn nghiện nẫng mất một vài thùng là coi như tối đó làm trắng đêm mà lại công cốc. Họ chỉ về nhà khi đã 6-7 giờ sáng, trong lúc chồng lăn ra ngủ thì chị Thảo phải lao vào bếp nấu cơm cho cả nhà ăn rồi mới tranh thủ ngủ, đến 3-4 giờ chiều lại nấu cho bữa tối đi chợ tiếp. Tính ra cả ngày chị chỉ được ngả lưng 4-5 tiếng. Đổi lại mỗi buổi đi bốc vác cả hai được 500-600.000đ tiền công, một tháng làm 15-17 tối cũng cho thu nhập trên 10 triệu.
Với tuổi đời 57, anh Nguyễn Văn Miền là bốc vác già nhất của làng Nam Trì sau khi đã trải qua một loạt nghề khác như đào than thổ phỉ ngoài Quảng Ninh, kéo xẻ, bán than dạo trên Hà Nội: “Cái nghề này nó khắc nghiệt lắm, ráo mồ hôi là hết tiền, trước làng có 20-30 người theo nhưng vì già, yếu, bệnh tật nên phải bỏ dần. Hơn thế, từ hồi báo chí phản ánh vụ bảo kê ở chợ Long Biên, công việc ngày càng ít đi, thôi thì còn sức thì làm ngày nào hay ngày đấy vậy…”.