Cơ hội nâng cao vai trò phụ nữ nông thôn

Phụ nữ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển nông thôn. Song, trên thực tế, lực lượng này lại đang gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi.

 

Chịu nhiều thiệt thòi

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, phụ nữ chiếm 50,5% số người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 1989 tỷ lệ này là 60%). Trong tổng lực lượng lao động nữ, có 68% là hoạt động trong nông nghiệp, tỷ lệ này đối với nam giới là 58%. Sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần.

Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay.

Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ nông thôn có trình độ văn hóa thấp, kỹ năng nghề nghiệp không có, ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cũng như việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái... Bên cạnh đó, tình trạng lao động nặng nhọc, kéo dài, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt khiến cho sức khỏe của phần lớn phụ nữ nông thôn bị suy kiệt, bệnh tật gia tăng. Do quá trình đô thị hóa, dân số tăng, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng ít khiến cho người nông dân thiếu đất canh tác, thiếu việc làm ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng đời sống nông dân ngày càng khó khăn. Việc tạo ra thu nhập cho lao động nữ nông thôn không nhiều, không ổn định, phần lớn chỉ dựa vào việc làm thêm hay phụ giúp gia đình khi vào mùa vụ, hoặc chăn nuôi nhỏ.

Ưu tiên đào tạo nghề và việc làm

Trước thực trạng trên, phụ nữ ở nông thôn rất cần được ưu tiên đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ trong các hộ gia đình có ruộng đất thu hồi. Để nâng cao trong đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho phụ nữ nên tính đến đặc điểm phong tục, tập quán, dân tộc và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.

Không làm chủ được các nguồn lực (đất đai, tài sản, phương tiện sản xuất...), thì phụ nữ sẽ thuộc “nhóm yếu thế”, không thể tự chủ và khó phát huy được sức mạnh của vai trò nữ giới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực. Trên thực tế, từ năm 1988, ruộng đất đã được cấp cho các hộ gia đình nông thôn nhưng đa số giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đều do nam giới đứng tên.

Luật Đất đai năm 2003 có quy định tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phải bao gồm tên của cả hai vợ chồng. Song theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2004, có đến 81% số hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một phần đất đai của họ.

Trong đó, tùy theo từng loại đất mà phụ nữ đứng tên chiếm khoảng 25 - 30%. Việc bảo đảm quyền sử dụng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt đối với phụ nữ làm nông nghiệp, vì đời sống của họ gắn liền với ruộng đất. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, hoặc phụ nữ dân tộc thiểu số, họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khác thì đất đai có thể xem như là phương tiện sinh kế duy nhất có thể giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo.

Theo danviet.vn