Có nghề, nông dân “ly nông nhưng không ly hương”
- Thứ năm - 31/05/2012 09:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến thăm vườn hoa, cây cảnh của gia đình anh Lê Đình Sản ở thôn 2, xã Quảng Công, chúng tôi mới thấy hết giá trị mà lớp học nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại cho gia đình anh.
Học viên thực hành tại lớp học chăn nuôi thú y. |
Thu hoạch khá sau khi học nghề
Ông chủ vườn hoa, cây cảnh với hàng trăm cây sanh, mưng, mai, vạn tuế… cho biết, ý tưởng trồng hoa, cây cảnh đến với anh khi tình cờ gặp một người bạn chuyên trồng hoa, cây cảnh ở thành phố Huế. Anh Sản chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi chuyên trồng lúa. Sau khi tham gia lớp học trồng cây cảnh, tôi mạnh dạn đầu tư trồng hoa, cây cảnh. Ban đầu, tôi trồng thử một ít, gia đình đã lãi gần 20 triệu đồng. Năm 2007, tôi bắt đầu kinh doanh cây cảnh. Nhờ đó, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 100 triệu đồng”.
Anh Phan Ngọc Trai ở thôn Cương Giáng, xã Quảng Công, học nghề chăn nuôi thú y. Anh kể: “Ngày trước, vợ chồng tôi chỉ nuôi 2 con heo và làm ruộng nên không đủ chi tiêu khi các con tôi càng lớn. Năm 2001, tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để mua 10 con heo, 50 con gà về nuôi. Lúc đó tôi nuôi theo kinh nghiệm nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Sau khi tham gia lớp học chăn nuôi thú y do Hội ND tổ chức, có kiến thức chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh, tôi đã tự tin nuôi mỗi lứa 100 con gà, 10 con heo thịt, 3 con heo nái. Hiện mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng”.
Ông Phạm Dũng (thôn 14, xã Quảng Công) sau khi tham gia lớp học nghề nuôi cá nước ngọt do Hội ND xã tổ chức đã quyết định gắn với nghề nuôi cá. Ông đầu tư 15 triệu đồng để đào ao thả các loại cá trắm cỏ, rô phi, chép, mè… Hiện nay, với hơn 0,3ha vườn, ao của gia đình, mỗi năm ông có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Dạy theo quy hoạch vùng sản xuất
Ông Hồ Ngọc Dớ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND huyện Quảng Điền cho biết: Đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm tạo việc làm cho ND là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội ND Quảng Điền. Năm 2011, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã phối hợp tổ chức 32 lớp dạy nghề cho gần 700 học viên. Ngoài ra, Hội còn tổ chức 153 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 7.172 ND. Phần lớn học viên sau khi học xong đã áp dụng thành công kiến thức đã học tại mô hình của gia đình mình.
Theo ông Hồ Ngọc Dớ, để việc dạy nghề cho ND thực sự hiệu quả, thì cùng với khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của ND trước khi tổ chức dạy nghề; dạy các nghề ND cần; hỗ trợ kinh phí cho ND tham gia học nghề, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của mỗi học viên. |
Ông Dớ cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012, Hội ND huyện phối hợp với các ban, ngành đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 210 ND; mở 54 lớp chuyển giao KHKT sản xuất cho 15.417 lượt ND, tạo điều kiện cho 35.000 hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 2,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của ND toàn huyện lên gần 55 tỷ đồng.
Theo danviet.vn