“Có tiếng nhưng chưa có miếng”
- Thứ tư - 10/04/2013 20:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo nghiên cứu, điều tra của Oxfam, lợi nhuận của người trồng lúa ngày càng có xu hướng xuống thấp. Xin bà cho biết cụ thể thực tế này?
- Người trồng lúa càng làm càng gặp khó và ít lãi thực sự là bài toán nan giải cho Việt Nam. Chi phí vật tư đầu vào tăng, giá gạo không ổn định và có xu hướng đi xuống nên dù mưa thuận gió hòa và được mùa cũng khó có thể tránh khỏi tình trạng lợi nhuận của nông dân (ND) ngày càng giảm sút.
Ngay ở đồng bằng sông Cửu Long- vùng có lợi thế nhất cả nước về sản xuất lúa gạo - thu nhập trung bình của nông hộ cũng chỉ đạt khoảng 535.000 đồng/người/tháng. Các hộ sản xuất quy mô dưới 2ha thì thu nhập còn thấp hơn, còn chật vật hơn.
Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng tại sao ở Việt Nam lại có nghịch lý xuất khẩu gạo càng nhiều, giá trị gạo cũng không ngừng tăng nhưng lợi nhuận của người trồng lúa lại ngày càng thấp, thưa bà?
- Thị trường lúa gạo thế giới ngày càng cạnh tranh hơn với sự tham gia mạnh mẽ của một số nước xuất mới như Ấn Độ và Campuchia. Khi một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ tăng cung và mở rộng dự trữ sẽ gây tác động lên giá gạo thế giới. Trong khi đó các nước nhập gạo thường xuyên của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhập và tăng tự cung.
Năm 2012, Việt Nam đứng đầu thế giới về lượng gạo xuất khẩu nhưng lại nao lòng thương ND vì bán nhiều, giá thấp không có lợi cho ND. Giá lúa thấp phản ánh tình trạng dư cung. Thực tế là chúng ta đang tốn kém chi phí nhiều hơn để sản xuất, để có sản lượng lớn hơn, nhưng giá trị kim ngạch lại giảm đi. Có nghĩa chúng ta đang tiếp tục nông nghiệp giá rẻ, giúp thế giới có gạo giá rẻ để ăn nhưng chính ND Việt Nam là người chịu thiệt thòi trực tiếp khi góp phần tạo ra dư cung này.
Nông dân chưa có lãi từ việc sản xuất, trồng lúa. |
Có ý kiến cho rằng, phần lớn lợi nhuận của người trồng lúa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long “đổ vào túi thương lái và doanh nghiệp”. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Phân tích lợi ích trong chuỗi gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Phần còn lại trung gian và doanh nghiệp hưởng. Không thể phủ nhận vai trò kết nối của thương lái để hạt gạo có thể xuất đi, nhưng tỷ lệ 3/10 quả là bất công cho ND vì họ phải bỏ ra 60-70% chi phí sản xuất. Tệ hơn, ND không những đầu tư toàn bộ công sức và tiền của mà còn phải gánh chịu toàn bộ các rủi ro khác như bão lũ, sâu bệnh.
Để cải thiện tình trạng này, doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiêm túc cân nhắc các chiến lược đầu tư lại cho ND sao cho chi phí đầu tư và lợi nhuận được chia sẻ một cách bình đẳng hơn, rủi ro được gánh chịu đồng đều hơn.
Theo bà Lê Nguyệt Minh khi ban hành các chính sách sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo nhất là khâu thực hiện và đánh giá hiệu quả của chính sách cần có sự tham gia của người trồng lúa. Cần xác định rõ ràng đối tượng hưởng lợi của từng can thiệp chính sách là an ninh lương thực hay ổn định thị trường, tránh tình trạng thiên hỗ trợ nhóm lợi thế nhỏ như chính sách thu mua tạm trữ. Mỗi can thiệp chính sách đưa ra cần được đánh giá bởi các cơ quan trung lập (như viện nghiên cứu, trường đại học) về tính hiệu quả và tác động của chính sách. |
- Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách can thiệp xuất khẩu và điều tiết thị trường, trong đó có chính sách mua tạm trữ gạo tại thời điểm thu hoạch; nhưng quả thật ND không được lợi.
Cơ chế thu mua tạm trữ hiện nay bằng vốn ưu đãi của Nhà nước cho các doanh nghiệp (Nhà nước cấp bù 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ 3 tháng) chỉ có tác động trong ngắn hạn, và chỉ có lợi cho doanh nghiệp do được cấp bù lãi suất, một dạng trợ cấp, đúng là ND được “tiếng” mà không có “miếng”.
Đáng lẽ người nông dân phải hưởng được tác động trợ cấp này vì mục tiêu của Chính phủ là giúp cho ND có thu nhập cao hơn.
Theo danviet.vn