Còn lại gì sau FTA?

Còn lại gì sau FTA?
Trong bối cảnh đang có rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương đã và đang được Việt Nam đàm phán, ký kết, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là, ngành nào sẽ chịu nhiều tác động nhất của tiến trình hội nhập? Và câu trả lời là: Nông nghiệp.
 

Sản xuất và chế biến thủy sản là một trong những ngành chịu nhiều tác động của FTA.

“Bộ uống sữa, bộ ăn dưa”

Từ đầu năm 2015 đến nay, ngành nông nghiệp liên tiếp hứng chịu những quả đắng khi nhiều mặt hàng nông sản mang tính thời vụ phải chịu cảnh được mùa mất giá. Khi hậu quả của việc mở rộng diện tích một cách tự phát khiến dưa hấu ùn tắc hàng đoàn dài ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chưa được giải quyết dứt điểm thì lại có thêm người trồng hành tím ở Sóc Trăng, trồng ổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu. Cả cộng đồng vào cuộc kêu gọi mọi người mua dưa hấu, hành tím, những chuyến hàng được chở bằng “tình thương” và “sự đồng cảm” đã vươn đến nhiều miền của đất nước và phần nào giúp nông dân vơi bớt khó khăn. Những chuyến hàng đó rất tiếc lại không phải là do thị trường điều tiết mà xuất phát từ lòng thông cảm được kêu gọi và đánh thức. Thậm chí, Bộ Công Thương, đơn vị phải chịu trách nhiệm về thị trường tiêu thụ nông sản cũng vào cuộc… bán dưa dựa trên “tấm lòng” của cộng đồng.

Đó là tiêu thụ trong nước, còn thị trường xuất khẩu cũng không mấy khả quan khi kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm đáng kể (tính chung toàn ngành giảm tới hơn 20% so với cùng kỳ năm 2014). Rõ ràng, tác động của hội nhập đã ngày càng rõ rệt.

“Tình trạng “bộ uống sữa, bộ ăn dưa” phản ánh một chuỗi sản xuất – tiêu thụ đi ngược với quy luật kinh tế thị trường. Vẫn biết cần áp dụng những biện pháp tình thế để chia sẻ với những khó khăn của nông dân nhưng về lâu dài phải giải quyết được cốt lõi của vấn đề là:Sản xuất theo nhu cầu thị trường”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định.

Cũng theo bà Mỹ Loan, các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay chưa có đóng góp nhiều cho lĩnh vực tiêu thụ nông sản dù họ rất muốn tham gia. “Có một nghịch  lý là, trong khi chúng ta có đầy đủ hệ thống chính sách khuyến khích ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp phát triển thì đến nay, vẫn chưa có chính sách khuyến dịch vụ bán lẻ một cách đầy đủ và hiệu quả. Nếu chỉ chăm chăm chú trọng phát triển sản xuất mà không quan tâm đến thị trường tiêu thụ thì câu chuyện “bộ uống sữa, bộ ăn dưa” sẽ còn diễn ra dài dài và ở nhiều mặt hàng khác nữa. Cần nhớ, ai nắm được hệ thống phân phối bán lẻ sẽ điều khiển được sản xuất”, bà Loan nói.

Bà Loan cho rằng, ngành bán lẻ chưa được hỗ trợ tương xứng. “Nhìn con số 400 tỷ đồng hỗ trợ cho chương trình khuyến công giai đoạn 2007 – 2012 mà các nhà bán lẻ chạnh lòng. Chúng tôi chỉ cần một góc nhỏ trong số ấy để nâng cấp hệ thống phân phối. Chi phí thuê mặt bằng quá cao đang dần bóp chết các nhà bán lẻ trong nước vốn đã yếu ớt vì thiếu tiềm lực. Nếu hệ thống bán lẻ phát triển mạnh, chắc chắn việc tiêu thụ nhiều mặt hàng, trong đó có nông sản sẽ thuận lợi hơn và trong quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ, nếu không có những chính sách, giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp sẽ thua ngay trên quê hương mình”, bà Loan khẳng định.

Thậm chí, có những chính sách đã có hiệu lực nhưng việc triển khai quá chậm trễ. Ví như Quyết định số 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 đã có hiệu lực từ ngày 29/4/2014, nhưng cho đến nay, đã được hơn 1 năm vẫn chưa có gì thay đổi, đáng buồn hơn, một số chính sách Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất đã bị gạt đi.

Doanh nghiệp còn mơ hồ với hội nhập

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hội nhập không phải chỉ mang đến cơ hội xuất khẩu mà là cuộc chơi có đi có lại. Các nước khi bước vào đàm phán đều muốn những điều thuận lợi nhất cho hàng hóa của mình và cố gắng giữ lại các biện pháp bảo hộ mà không đi ngược với cam kết. Khi không còn hàng rào thuế quan thì các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất, chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để ứng phó với những hàng rào phi thuế quan như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,  an toàn vệ sinh thực phẩm,… mà các nước dựng lên.

Đơn cử như theo cam kết tại Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), có 93 dòng hàng hóa cắt giảm thuế còn 5 – 10% (thịt tươi đông lạnh và ướp lạnh của trâu bò, lợn, phụ phẩm giết mổ của thịt gà, gia cầm, một số loại rau củ quả, bột mỳ, bột ngô…); 902 dòng giảm thuế xuống còn 10 – 25% (thịt trâu bò, thịt lợn, thịt gà tươi, đông lạnh và ướp lạnh; cá biển… Đến năm 2018, tiếp tục cắt giảm 271 dòng, có tới 333 dòng thuế chỉ còn 0 – 0,5%.

Hay như cam kết trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), trong năm 2015 chỉ còn 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20% (lá chè xanh, đen; gạo; thịt và phụ phẩm sau giết mổ; xúc xích; đường củ cải; thịt nguội/hun khói); 80 dòng ở mức thuế 5% (gia cầm và phụ phẩm; quả có múi; bột ngô/đậu tương; nguyên liệu và chế phẩm làm thức ăn chăn nuôi; cà chua chế biến). Đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm còn duy trì thuế, toàn bộ 80 sản phẩm áp thuế 5% sẽ giảm xuống 0%.

Nhìn vào những cam kết này, có thể thấy nhiều mặt hàng nông sản trong nước sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với bên ngoài. Nhưng đáng tiếc là, cho đến nay, các doanh nghiệp dường như còn hiểu biết rất ít về các FTA. Ông Dương cho biết, chỉ có 50% trong số 20 doanh nghiệp chế biến thực phẩm được hỏi có biết chút ít về việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA. Cho đến thời điểm này, việc các doanh nghiệp chưa hiểu hết về FTA là quá muộn. “Việc mở cửa và hội nhập là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là phải trang bị cho các doanh nghiệp và người dân những kiến thức, kỹ năng để có thể tận dụng mọi cơ hội, hóa giải thách thức. Rất tiếc, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Vì vậy, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng cần tham vấn để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị chu đáo, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Dương nói. 

Hệ thống chính sách phải đủ mạnh

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), càng tự do hóa thương mại các chính sách bảo hộ càng ít, vì vậy chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và các ngành kinh tế trong thời gian tới cần phải tinh hơn và hiệu quả hơn. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì cần có hệ thống chính sách đầy đủ hơn và ngay cả những chính sách đang thực hiện cũng cần điều chỉnh cho đúng với cam kết mà vẫn tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. “Vẫn đang tồn tại những chính sách không có thì hơn”, ông Nam nói.

Ông đưa ra một số ví dụ như: Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu đã vô tình tạo môi trường “hẹp” sau FTA khi vẫn thực hiện giám sát với tần suất lấy mẫu lớn, không đúng theo nguyên tắc thẩm tra, thể hiện việc chưa công nhận việc kiểm soát của doanh nghiệp. Trong khi đó, quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đang kéo dài, ách tắc và đang là thủ tục hành chính gây nhiều bức xúc nhất hiện nay. Hay như Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra đang gây nhiều tranh cãi hiện nay quy định kiểm soát giá sàn nguyên liệu cá tra là vi phạm Luật Giá và Luật Cạnh tranh; quy định cứng hàm lượng nước trong cá tra fillet xuất khẩu 83% là không phù hợp với sự đa dạng thị trường. QCVN 40:2011/BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp quy định 9 chỉ tiêu cho ngành chế biến thủy sản (QCVN 11) nhưng lại “thòng” thêm việc cơ quan chức năng có thể kiểm tra thêm các chỉ tiêu khác. Điều này sẽ tạo sự bất cập và tùy tiện khi thanh, kiểm tra bởi đặc thù của ngành thủy sản sẽ không thể đáp ứng được chỉ tiêu Phospho 6ppm (hơn 90% số nhà máy vi phạm chỉ tiêu môi trường) hay chỉ tiêu Nito cũng vậy.

Vì vậy, theo ông Nam, cần thay đổi những chính sách  chưa phù hợp để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển thay vì cố gắng kiểm soát họ bằng thủ tục hành chính.

Bà Loan đề xuất, để ngành bán lẻ phát triển trong tương lai, cần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các doanh nghiệp, trợ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, xây dựng và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại…

Hiện, chúng ta đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 FTA, gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản. Việc ký kết các hiệp định sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường với thuế suất giảm đáng kể và ngược lại.

Anh Thơ
Nguồn: kinhtenongthon.vn