Cuộc chiến tôm nguyên liệu: Đừng để “thua trên sân nhà”!
- Thứ ba - 07/05/2013 23:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Võ bẩn” trong cạnh tranh
Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến tôm tại ĐBSCL lại thiếu nguyên liệu trầm trọng. Các doanh nghiệp (DN) đều đói hàng, không đủ nguyên liệu đáp ứng đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Đặc biệt, từ giữa tháng 3 đến nay, giá tôm được đẩy lên chóng mặt, tăng 30.000 - 50.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Hiện, giá mua gom tôm sú nguyên liệu ở Cà Mau đối với loại 30 con/kg đã quá 300.000 đồng/kg; loại 40 con/kg cũng không dưới 300.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây.
Giá tôm cao đột biến do nguồn cung ngày càng giảm vì dịch bệnh gia tăng; trong khi đó thương lái Trung Quốc tìm mọi chiêu trò vơ vét nguyên liệu trong nước với giá cao, khiến DN nội càng khó khăn. Lãnh đạo một DN ở Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, thương nhân Trung Quốc mua gom cả sản phẩm kém chất lượng, thậm chí còn yêu cầu nhà cung cấp bơm tạp chất vào tôm, hay vào tận các nhà máy ở ĐBSCL để trả giá, cho DN hưởng lãi để gom hàng giúp họ.
Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang cao đột biến - Ảnh: Thanh Ngân
Thương lái nước ngoài tìm mọi cách “tận thu” nguyên liệu, nhất là nguyên liệu thủy sản tại Việt Nam, là chuyện không mới. Họ có lợi thế hơn DN trong nước khi mua tôm rất dễ dãi, giá mua lại cao hơn giá bán trên thị trường nội địa; họ chấp nhận cả tôm dính tạp chất, không đồng đều kích cỡ, trọng lượng… Đây là những “tiêu chuẩn” DN trong nước không thể chấp nhận, bởi phần lớn các đơn hàng của họ đều xuất khẩu sang thị trường khó tính (EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…) vốn rất khắt khe về quy chuẩn và chất lượng ATVSTP… Bởi vậy, trong cuộc cạnh tranh đó, không ít DN Việt Nam phải “chào thua”, tìm cách nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Thống kê của VASEP năm 2012 cho thấy, Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn nhưng một tỷ trọng không nhỏ nguyên liệu tôm chế biến trong nước phải nhập từ 27 nước (nhiều nhất là Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…) với giá cao. Tính cạnh tranh của DN Việt khi tham gia thị trường thế giới từ đó giảm sút. Nhiều thị trường đã giảm mạnh việc nhập tôm Vịêt Nam, vì giá. Năm 2012, xuất khẩu tôm VN sang Mỹ giảm 15,6%, EU 24,8%, Canada 14,1%, ASEAN 22,2%, Thụy Sỹ 10,5%...
Nỗi lo không của riêng ai
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã nhận định: Năm 2013, ngành tôm Việt Nam phải đối mặt 6 thách thức lớn: dịch bệnh và hội chứng tôm chết sớm dẫn đến nguồn nguyên liệu giảm; cạnh tranh mua tôm nguyên liệu tại ĐBSCL; thị trường tiêu thụ tiếp tục khó khăn; rào cản Ethoxyquin từ Nhật, Hàn Quốc; vấn đề kiểm soát chất lượng; cạnh tranh giá xuất khẩu. Trong đó, thách thức về cạnh tranh nguồn nguyên liệu là “ung nhọt” nhiều năm nay.
Việc thương lái Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu đang ảnh hưởng lớn đến ngành chế biến tôm trong nước. “Công nhân mất việc, thị trường tiềm năng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… có nguy cơ chuyển hướng sang các nguồn cung khác. Những DN sản xuất, chế biến chân chính sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) bức xúc.
Lãnh đạo nhiều DN khác còn nhận định, việc thương nhân Trung Quốc mua vét nguyên liệu như thế không đơn thuần là cạnh tranh thương mại. “Hiện, giá nguyên liệu tôm đã tăng 5 - 10%, trong khi thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, khiến sản phẩm tôm Việt Nam mất tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thêm nữa, trong cuộc cạnh tranh này, nhóm thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc có lợi thế hơn DN tôm Việt Nam về mặt kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Vì vậy, họ mua cả tôm bơm tạp chất. Việc này gây nguy cơ gia tăng nạn bơm chích, gây “hoen ố” cả ngành tôm Việt Nam” – Lãnh đạo một DN thủy sản ở Bạc Liêu nói.
Trên thực tế, nông dân ĐBSCL đã có không ít kinh nghiệm “xương máu” từ làm ăn với thương lái Trung Quốc. Nhiều chuyện “dở khóc dở cười” vì bị thương lái nước ngoài “bỏ bom” sau khi đặt hàng số lượng lớn từng xảy ra. Trong lĩnh vực mua gom nguyên liệu thủy, hải sản, khi đầu ra gặp khó, nhiều thương lái Trung Quốc đã “bỏ của chạy lấy người”… Cái lợi trước mắt nhiều chủ vựa, nhiều nông dân dễ thấy, nhưng hậu hoạ thật khó lường, không dễ khắc phục. Thương hiệu thủy sản Việt Nam cũng vì sự dễ dãi của nhiều lái buôn Trung Quốc mà ảnh hưởng nặng nề…
Dường như các cơ quan chức năng Việt Nam đang tạm quên nỗi lo cạnh tranh nguồn nguyên liệu từ thương nhân Trung Quốc. DN trong nước đang “thua trên sân nhà”; ngành thủy sản khó càng thêm khó. Để tăng sức cạnh tranh của DN nội, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, DN và cả người nuôi.
>> Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 2,4 tỷ USD năm 2013, ngay từ đầu năm ngành thủy sản đã xác định, ổn định nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu là vấn đề trọng tâm; theo đó, giải cứu các vùng nuôi tôm là khâu đột phá chính. |