Cuộc chiến với "giặc nghèo" còn nhiều cam go

Cuộc chiến với "giặc nghèo" còn nhiều cam go
Trải qua 69 năm của nền độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vừa đánh đuổi giặc ngoại xâm vừa đẩy lùi giặc dốt, giặc đói, tạo lập nên những điều kỳ diệu được quốc tế công nhận, coi đó là bài học cho các quốc gia còn nhiều khó khăn trong cuộc chiến xoá đói nghèo.
Tuy nhiên, để mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam): “sánh vai các cường quốc năm châu” thì cuộc đấu tranh với “giặc nghèo” để rửa nhục nghèo hèn, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh còn nhiều cam go, thách thức. Con đường diệt giặc nghèo còn dài và nhiều trở ngại, trong đó có những trở ngại do chủ quan chúng ta “tạo nên”.

Thứ nhất, đó là tâm lý ỷ lại. Nói vậy vì còn nhiều người, nhiều địa phương không muốn thoát nghèo vì “sợ mất nguồn hỗ trợ”. Đây là rào cản lớn nhất trong cuộc chiến với “giặc nghèo”. Bởi trong cuộc chiến đấu, nếu mình thiếu ý chí thì không thể giành thắng lợi.

Thứ hai, mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh nhưng cách tiếp cận cuộc chiến với “giặc nghèo” của chúng ta có vẻ như vẫn chưa có được đối sách phù hợp. Nói vậy vì chúng ta đã xây dựng quá nhiều chương trình cho cùng một nhiệm vụ xoá nghèo trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp.

Thứ ba, do nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nên mỗi chương trình có một bộ máy riêng, quy chế quản lý vốn cũng  riêng biệt, không có sự thống nhất. Bởi vậy, sức mạnh tổng lực không những không được tạo nên  mà còn suy giảm nhiều do phải chi phí cho bộ máy quản lý quá cồng kềnh.

Thứ tư, việc đánh giá hiệu quả các đề án chưa đáp ứng được yêu cầu khiến cho việc lãng phí là không nhỏ. Lấy ví dụ về dự án cấp báo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Đây là dự án đa lợi ích, rất cần thiết nhưng cách triển khai khiến hiệu quả không cao. Nói vậy vì, do điều kiện đi lại  khó khăn, nên mỗi tuần, thậm chí 10 -15 ngày bưu tá mới mang báo đến một lần, vậy mà khi xây dựng  chương trình, một số tờ báo lại được chúng ta cấp ngày. Khi báo đến nơi thì thông tin đã quá cũ. Hiện, chúng ta đã phủ sóng phát thanh rộng khắp và nhiều địa phương tuy là vùng 3 nhưng cũng có điện, có thể xem truyền hình.  Bởi vậy, nên chăng, các cơ quan báo chí được tham gia chương trình chỉ nên phát hành chuyên đề 10-15 ngày/kỳ với nội dung chuyên sâu theo tôn chỉ, mục đích của mình.

Thứ năm, trong quá trình triển khai các chương trình giảm nghèo, các địa phương chưa chú trọng nhiều đến nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao kỹ năng sản xuất và tổ chức sản xuất cho người dân,... cũng như  việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ sáu, việc liên kết trong tổ chức sản xuất giữa các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc này khiến các địa phương cạnh tranh với nhau, vừa giảm hiệu quả vốn đầu tư, vừa không tạo được sự thống nhất khi tham gia thị trường.

Còn nhiều những trở ngại trên con đường không ngắn trong cuộc đấu tranh với giặc nghèo mà chúng ta phải vượt qua.

Để thực hiện mục tiêu GDP bình quân đầu người vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đạt 2.000 USD vào năm 2020 như kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta còn rất nhiều việc phải điều chỉnh để nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành và đồng vốn.

Hiền Anh/kinhtenongthon.com.vn