Đà Nẵng: Dạy nghề “cầm tay chỉ việc", nông dân dễ làm theo
- Thứ tư - 27/11/2019 17:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Nông dân dạy nông dân”
Từ năm 2013 đến nay, Hội ND TP.Đà Nẵng đã trực tiếp tổ chức 38 lớp dạy nghề cho 1.186 hội viên, ND và phối hợp tổ chức 121 lớp cho 4.163 hội viên, ND. Qua đó, hơn 4.000 học viên sau khi được đào tạo đã có việc làm, góp phần giúp hội viên, ND phát triển ngành nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ năm 2013 đến nay, Hội ND thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp tổ chức 38 lớp dạy nghề cho 1.186 hội viên, nông dân và phối hợp tổ chức 121 lớp cho 4.163 hội viên, nông dân.
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng cho biết, hằng năm, Thành hội đã chỉ đạo các cấp Hội ND quận, huyện và cơ sở hội tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, ND nhận thức về chính sách dạy nghề của Đảng và Nhà nước; đồng thời tư vấn cho hội viên, ND chọn các nghề phù hợp. Đặc biệt, căn cứ Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1549 của Bộ NNPTNT và các quy định hiện hành của UBND thành phố, Hội ND đã xây dựng chương trình, lịch học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đào tạo nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã giúp cho hàng nghìn ND Đà Nẵng có công việc ổn định. Ảnh: Đ.H
“Hoạt động đào tạo nghề của Hội ND thành phố được triển khai thực hiện ngay tại địa bàn dân cư, thôn, tổ dân phố tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của học viên. Với hình thức dạy “cầm tay chỉ việc’’, “nông dân dạy nông dân”, tập trung thời gian vào thực hành gắn với lý thuyết. Các lớp dạy nghề được thực hành tại các hộ gia đình, tổ hợp tác đã tổ chức sản xuất, có quy mô, có điều kiện cơ sở vật chất, tại các vườn hoa của các hộ nông dân hoặc các gia trại...”- ông Vân nhấn mạnh.
Còn ông Hồ Đăng Ninh- Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội ND thành phố cho hay, để công tác đào tạo nghề hiệu quả, Hội ND thành phố còn mời các giáo viên từ trường dạy nghề thành phố và các trung tâm dạy nghề các quận, huyện có tay nghề, kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Đặc biệt, Hội chọn những ND có tay nghề kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đào tạo thành những giảng viên chủ chốt cho công tác dạy nghề của Hội như: Ông Huỳnh Văn Mười, bà Vũ Thị Mười là giám đốc các Hợp tác xã (HTX) nấm... Trong quá trình học kết hợp tuyên truyền vận động thành lập các hình thức tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, HTX, chi hội nghề nghiệp…
Hàng trăm nông dân sau khi được đào tạo nghề chăn nuôi đã mở rộng cả về quy mô và số lượng.
Thực hiện các quy định của thành phố về các danh mục đào tạo nghề, Hội ND thành phố đã lựa chọn 4 nghề chính, phù hợp với điều kiện sản xuất của ND trên địa bàn để triển khai thực hiện việc giảng dạy, đó là nghề trồng và chế biến nấm ăn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau an toàn.
Mạnh dạn sản xuất
Học viên Nguyễn Mai Hồng chia sẻ, sau khi học nghề trồng và chế biến nấm ăn do Hội ND tổ chức, tôi đã mạnh dạn vận động một số anh em cùng thành lập HTX nấm Hòa Tiến. Hiện nay, hoạt động của HTX cũng khá hiệu quả và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập ổn định.
Sau khi học nghề, học viên Nguyễn Văn Nhi đã thành lập HTX nấm Nhơn Phước, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và còn nhiều mô hình kinh tế tập thể khác do học viên sáng lập. “Bên cạnh các HTX được thành lập, các học viên sau học nghề cũng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn, như: Hộ ông Đinh Văn Hòa, phường An Khê, quận Thanh Khê với số lượng 5.000-6.000 bịch nấm sò, nấm linh chi; ông Trần Bê, xã Hòa Liên trồng nấm linh chi từ 1.000-2.000 bịch...”- ông Vân cho hay.
Hội ND thành phố Đà Nẵng đã lựa chọn 4 nghề chính, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân trên địa bàn để triển khai thực hiện việc giảng dạy, đó là nghề trồng và chế biến nấm ăn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau an toàn.
Với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, hầu hết các học viên tham gia lớp học đều là nông dân huyện Hòa Vang, là những người đã chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Song song với quá trình học lý thuyết, Hội ND thành phố đã hỗ trợ bà con giống gia súc, gia cầm để học viên thực hành kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho các loại vật nuôi. Sau khi tham gia các khóa học, nhiều học viên đã tổ chức chăn nuôi với quy mô, số lượng lớn như: Học viên Trần Văn Phúc, xã Hòa Phú nuôi bò, dê; bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, xã Hòa Nhơn, hộ bà Đặng Thị Trần Lịch chăn nuôi hàng nghìn con gà đồi...
Đặc biệt, nghề trồng hoa, cây cảnh cũng được đông đảo hội viên, ND tham gia và sau khi được đào tạo nghề, vay vốn để sản xuất, hội viên đã từng bước mở rộng diện tích, phát triển nhiều chủng loại, góp phần nâng cao thu nhập. Tiêu biểu phải kể đến hộ ông Nguyễn Thành Chiến, ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) hàng năm trồng trên 3.000 chậu hoa cúc; hộ bà Chu Thị Trung 2.500 chậu cúc; hộ ông Nguyễn Văn Quý ở phường Hòa Cường Bắc, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu trồng 3.000 chậu cúc và cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
“Từ hiệu quả của mô hình sản xuất nấm, trồng hoa cây cảnh đã tạo nên sức lan tỏa cho người dân. Nhiều Tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ, chi Hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm, hoa được thành lập tạo ra chuỗi liên kết sản xuất khá hiệu quả như: HTX Kim Thanh, HTX Nhơn Phước, HTX nấm Hòa Tiến, HTX Nấm Khuê Mỹ… Sau dạy nghề, Hội ND thành phố đã hướng dẫn hội viên tổ chức sản xuất, tạo điều kiện cho trên 80% học viên sau đào tạo được vay vốn Quỹ HTND từ 10 - 20 triệu đồng/hộ để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề đã học, góp phần nâng cao thu nhập, tăng tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề…”- ông Vân nhấn mạnh.
Theo Đăng Bình-Đoàn Hồng/danviet.vn