Đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lao động nông thôn
- Thứ ba - 02/04/2013 21:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” . Ảnh: VGP/Từ Lương |
Chiều 2/4, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo, để đánh giá hoạt động của Ban và các thành viên trong 3 năm (2010-2012).
Các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận về cách lựa chọn, tư vấn nghề nghiệp cho lao động ở khu vực nông thôn, làm nghề phi nông nghiệp, nghề truyền thống và hiệu quả đối với việc đào tạo đối tượng lao động, thống nhất không mở rộng đối tượng đào tạo nghề.
Theo báo cáo đưa ra tại cuộc họp, đã có 653/663 đơn vị hành chính cấp huyện có lao động nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án (chiếm 98,5%); 9.673 xã/10.366 xã có lao động nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác thực hiện Đề án cấp xã, đạt 93,3%.
Tổng số kinh phí đã sử dụng: 4.461 tỷ đồng, bằng 17,2% tổng kinh phí thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2010-2020.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, nhiều địa phương đã xuất hiện biểu hiện lơ là trong chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thiếu sự quan tâm đúng mức và xây dựng báo cáo chưa sát thực tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh Nghệ An khảo sát mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Diễn Châu, Nghệ An (tháng 12/2011). Ảnh: VGP/Từ Lương |
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trên cả nước hoàn thiện báo cáo thực hiện Đề án (giai đoạn 2010-2012) với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc nhất, hoàn thành trước hạn 15/5 để thông báo tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và phát hành sổ tay hỏi đáp về Đề án cũng như giới thiệu một số mô hình tốt về Đề án trên cả nước.
Phó Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh chính sách đối với các đối tượng là nông dân đăng ký học nghề, cơ sở dạy nghề và chính sách với giáo viên dạy nghề; chỉ rõ trách nhiệm của địa phương trong kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Từ Lương