Đăk Nông: Vụ “Thủy lợi thành... thủy hại”: Có thể đập bỏ công trình
- Thứ ba - 09/04/2013 00:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Đăk Nông đã vào cuộc và kết quả cho thấy sự việc còn nghiêm trọng hơn.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đăk Nông, ngày 20.3, Sở NNPTNT đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Krông Nô và các đơn vị liên quan, riêng các doanh nghiệp thiết kế, giám sát, thi công đều... lánh mặt. Theo biên bản cuộc họp, vấn đề được quan tâm trước hết là có cần thiết xây dựng lại kênh chính thủy lợi Nam Đà, việc đầu tư có phù hợp với thực tế công trình, nguyện vọng của người dân hay không? Ông Nguyễn Văn Quốc - Trưởng phòng NNPTNT huyện cho biết: “Đầu tư công trình là cần thiết, do đoạn kênh này bị sạt lở và hỏng nặng”.
Tuy nhiên, trên thực tế không có văn bản nào của UBND xã Nam Đà kiến nghị nâng cấp kênh, không có tài liệu xác định hiện trạng kênh bị xuống cấp cần đầu tư. Chính đơn vị trực tiếp vận hành kênh thủy lợi Nam Đà - Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh - cũng cho rằng, trước đó kênh vẫn hoạt động bình thường, đơn vị thấy chưa cần thiết phải đề nghị sữa chữa. Nếu có thì chỉ đề xuất đắp đất, xây trát các vị trí hư hỏng là giải quyết được, không phải đập bỏ để làm lại.
Dự án của huyện làm nông dân xã Nam Đà “treo” ruộng. |
Về nguyên nhân thiếu nước, cuộc họp thống nhất nhận định là do thiết kế đã chọn mức tưới 1,8lít/ha lúa, áp dụng cho diện tích 250ha lúa và 200ha cà phê là không đúng với thực tế. Từ đó diện tích mặt cắt kênh đã bị giảm hơn 1/2 so với trước (từ hình thang thành hình chữ nhật), cộng thêm việc nâng toàn bộ cao trình đáy kênh lên (có đoạn nâng 0,4m) nên lượng nước chỉ còn một nửa.
Như vậy, trách nhiệm các sai phạm này thuộc về đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm định, UBND huyện Krông Nô và Phòng NNPTNT huyện. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, đoàn kiểm tra phải đề xuất 3 phương án khắc phục. Một là cắt, chuyển 2 tường bên của kênh hình chữ nhật thành mái kênh hình thang như cũ, hạ thấp đáy kênh về cao trình cũ. Hai là xây dựng thêm một tuyến kênh mới chạy song song để tăng cường lượng nước từ hồ Đăk Mâm xuống cánh đồng xã Nam Đà. Phương án cuối cùng là đập bỏ toàn bộ đoạn kênh mới thi công với giá trị 2,8 tỷ đồng để làm lại.
Đoàn công tác cũng đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị gây ra sai phạm phải có trách nhiệm bỏ vốn để bồi thường. Cũng cần nói thêm rằng, trong suốt quá trình lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư không tổ chức lấy ý kiến đơn vị đang quản lý công trình, chính quyền xã, tổ chức dùng nước tại xã và người dân nên không tiếp thu được những ý kiến lẽ ra cần có. Quyết định phê duyệt cũng không được gửi về cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh theo quy định của tỉnh, mà nếu làm đúng có thể đã tránh được những sai sót do hồ sơ thiết kế gây nên.
Theo Danviet.vn