Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc trong mùa hè
- Thứ năm - 08/05/2014 00:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để đảm bảo ATVSTP, từ trước tết đến nay, các ngành chức năng liên tục triển khai các hoạt động. Một thuận lợi lớn là năm nay tỉnh thực hiện phân cấp cụ thể về hoạt động. Ngoài phân cấp theo các sở, ngành, riêng ngành Y tế, đơn vị thường trực cũng đã thực hiện phân cấp đến tận địa phương. Nhờ đó, đã khắc phục được tình trạng kiểm tra chồng chéo hoặc bỏ sót công tác quản lý như trước đây. Việc khâu nối giữa các ngành trong hoạt động cũng chặt chẽ hơn.
Gia cầm đã giết mổ không được đóng dấu kiểm dịch thú y ở chợ thị trấn Kỳ Anh |
Về hoạt động chuyên môn, cùng với công tác tuyên truyền, năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai quyết liệt. Theo phân cấp, các sở, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Tính từ ngày 26/4 đến 7/5, đoàn kiểm tra ATVSTP tỉnh đã kiểm tra 98 cơ sở. Qua đó, đoàn đã phát hiện, lập biên bản xử lý 23 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP với số tiền 89 triệu đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo VSATTP. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, không lưu mẫu thức ăn, sử dụng dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không khám sức khỏe định kỳ cho chủ và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm… Kết quả kiểm tra, chưa phát hiện các chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm.
Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: So với kết quả thanh tra, kiểm tra tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2013, năm nay, tỷ lệ các cơ sở vi phạm tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do đoàn tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng có nhiều nguy cơ như Kỳ Anh hoặc những cơ sở thường vi phạm nhiều. Còn việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATVSTP nói chung đã có chuyển biến tích cực, nhất là về ý thức của người kinh doanh, họ đã quan tâm đến việc thực hiện Luật ATVSTP. Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn đã xử lý nghiêm và sẽ có hậu kiểm.
Hiện đoàn kiểm tra của các huyện cũng đang tích cực kiểm tra, giám sát với tinh thần kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh các cơ sở vi phạm hướng đến việc tuân thủ Luật ATVSTP trong kinh doanh, chế biến thực phẩm. Điều mừng là từ trước tết đến nay, Hà Tĩnh không xảy ra vụ ngộ độ thực phẩm nào.
Chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Mùa hè, thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, gia tăng sử dụng nước đá… Mùa hè còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… Mặt khác, mặc dù thời gian qua, nhóm kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được nâng cao nhận thức về việc tuân thủ Luật ATVSTP nhưng việc “thực hành đúng” vẫn còn là vấn đề. Những thói quen rất đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu, biện pháp chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới, giỗ; không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu bị ô nhiễm… sẽ gia tăng nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm.
Tất cả các cửa hàng ăn trong chợ TP Hà Tĩnh đều chưa tuân thủ các quy định bảo đảm ATVSTP. |
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, ông Phan Văn Hùng cho rằng, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế. Cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng; bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh cần lưu ý, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Đối với người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm và mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Thục Chi
Nguồn baohatinh.vn