Dân bỏ ruộng: “Cũng có xu hướng tích cực”
- Thứ năm - 16/10/2014 07:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nhắc lại một lời hứa của Thống đốc Nguyễn Văn Bình: vì sao đã một năm rồi mà bất cập trong Nghị định 41 chưa được sửa?
Cho nên, việc Ngân hàng Nhà nước sớm công bố dự thảo trên có thể xem như một thông điệp, gián tiếp chứng minh cho việc Thống đốc Bình đang thực hiện lời hứa của mình.
Vì sao sớm công bố? Vì đây là dự thảo cần nhiều thời gian để hoàn thiện, nhất là chờ những đúc kết từ thực tế thí điểm các mô hình cho vay vừa mới triển khai.
Đa số lao động, thiểu số GDP
Gần một tháng trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước đến thăm mô hình sản xuất kinh doanh của Công ty Tiến Nông (Thanh Hóa).
Trước “cái đau” về tình trạng nông dân bỏ ruộng lên thành phố và vào khu công nghiệp mà ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông phản ánh, ông Bình lại đưa ra quan điểm khác: “Thực ra trong đấy có cái xu hướng tích cực”.
Bởi theo ông, nếu cứ mãi sản xuất nông nghiệp theo cách như hiện nay thì Việt Nam khó phát triển. Cả nước có khoảng 70-80% lao động tập trung ở khu vực nông thôn, nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 20% GDP.
“Như vậy là mâu thuẫn. Chúng ta dùng một lực lượng lao động quá lớn để sản xuất ra một lượng của cải vật chất có tỷ trọng nhỏ. Muốn công nghiệp hóa thì phải giảm bớt lực lượng lao động này nhưng năng suất, sản lượng vẫn đảm bảo, thậm chí tăng lên”, ông Bình đặt vấn đề.
Và ông dẫn trường hợp của Hà Lan, nông dân chỉ chiếm 2% dân số nhưng sản lượng của họ chiếm tới 40% GDP. Như thế để thấy Việt Nam còn một khoảng cách rất lớn để phát triển.
“Thôi thì ta không so sánh với những nước tiên tiến và mạnh như vậy, mà làm sao chỉ 10% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và đóng góp được 30-40% GDP là quá tốt lắm rồi”, Thống đốc nói.
Dẫn chứng trên cũng lý giải một trong những nguyên nhân người dân bỏ ruộng, và trong đó có một xu hướng tích cực: công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, ứng dụng khoa học công nghệ, người nông dân từ sản xuất thủ công chuyển sang cơ giới; tổ chức sản xuất và quản lý từ manh mún hộ gia đình lên quy mô doanh nghiệp; chuyển nền nông nghiệp dựa vào sản xuất hộ gia đình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa…
Quá trình này sẽ giảm thiểu lực lượng lao động trực tiếp, và dĩ nhiên là cần vốn.
“Mở ra trang mới”
Thừa nhận Nghị định 41 có từ bốn năm về trước đã phát huy hiệu quả lớn, tín dụng cho nông nghiệp theo đó đã tăng gần 2,5 lần, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng nó bộc lộ những bất cập và đã không còn phù hợp.
Một điểm bất cập mà đại biểu Đặng Thị Kim Chi chất vấn nói trên đã được khắc phục trong dự thảo nghị định mới: không vô tình đẩy một số đối tượng ra khỏi diện được vay vốn ưu đãi (các hộ dân ở địa bàn nông thôn vừa chuyển đổi lên hình thức đô thị).
Quan trọng hơn, dự thảo đã tập trung cho yêu cầu vốn để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp dựa theo các hộ gia đình sang sản xuất các chuỗi hàng hóa. Trọng tâm sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay theo đó đã tập trung nhiều hơn cho khối doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này.
Một ví dụ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn luôn thực tế của Công ty Tiến Nông, là tích tụ ruộng đất để hình thành những cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng tích tụ thì vẫn là đất của dân, doanh nghiệp không thể dùng để thế chấp vay vốn. Ngân hàng phải xem xét cho vay tín chấp. Thực tế này đã được đưa vào dự thảo.
Dù đang dự thảo, nhưng thời gian qua Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã chủ động đăng ký với Chính phủ 3 chương trình: cho vay sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản phẩm; sản xuất xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Đây là mô hình cho vay tín chấp và mới qua 4 tháng triển khai đã cho vay được 2.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung thêm một loạt đối tượng, nhóm lĩnh vực vào diện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trọng tâm là các đầu mối doanh nghiệp với phạm vi rộng hơn so với Nghị định 41.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, ông muốn thúc đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành nghị định mới để mở ra một trang mới cho tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, gắn với đề án tái cơ cấu ngành này.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện và chính thức ban hành nghị định mới mất nhiều thời gian, nên một số điều khoản cấp thiết có ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hộ dân và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ để làm trước. Hay như việc thí điểm cho vay tín chấp 3 chương trình nói trên, dù chưa có quy định cụ thể nhưng đang được mở rộng.
Theo Minh Đức
Theo VnEconomy