Đào tạo nghề nông nghiệp: Cung chẳng cập cầu

Đào tạo nghề nông nghiệp: Cung chẳng cập cầu
Có hệ thống đào tạo khá hùng hậu với khoảng hơn 70 đơn vị, đủ hệ từ trung cấp đến đại học nhưng đa phần các trường đào tạo nghề nông nghiệp hiện nay lại đang phải chật vật bởi chẳng tuyển nổi người học, bất chấp nhu cầu về lao động nông nghiệp có tay nghề, trình độ ngày càng gia tăng.


 

Chương trình đào tạo lạc hậu khiến người học không mặn mà với nghề nông. Ảnh: Trần Việt

Nghề nông bị chê

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù thời gian qua, khối các trường thuộc Bộ NN&PTNT được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên được tăng cường, phương pháp giảng dạy có đổi mới cơ bản nhưng các  ngành nghề đào tạo lĩnh vực nông nghiệp vẫn bị cho là  ít hấp dẫn. Đối tượng học sinh đa số là con em nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, việc thu học phí gặp nhiều khó khăn, thường ở mức thấp trong khung cho phép. Quy mô đào tạo chưa cân đối, một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tăng, trong khi đó một số ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất khó tuyển sinh thậm chí có ngành nghề còn không tổ chức đào tạo được. Vì thế lượng tuyển sinh vào các trường ngày càng teo tóp.

Ông Huỳnh Hữu Lịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Thủy sản II (TP. HCM) cho biết: Ngày càng ít con em nông dân đăng ký học nghề nông nên nhiều trường trong cảnh “dở khóc dở cười” vì thiếu học viên. Trên thực tế, nhiều địa phương đang rất thiếu nhân lực làm trong các tàu cá, những lao động phổ thông. Hiện nhà trường đang đào tạo chủ yếu nghề ngư dân nhưng đây là nghề có đặc thù nặng nhọc, thu nhập lại không đều nên học sinh đăng ký vào học ngày càng giảm. Nếu ngành nông nghiệp không có cơ chế chính sách khuyến khích tiếp sức kịp thời để hút nhân lực vào ngành này thì  nghề khai thác thủy sản sẽ sớm bị mai một.

Không thể tuyển sinh được người học trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, nhiều trường đã phải chuyển hướng sang đào tạo các chuyên ngành khác như công nghiệp, tài chính, kinh tế. Ví dụ điển hình cho cách làm này là Trường  Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Chương trình đào tạo của nhà trường bao gồm 21 nghề trong đó thương hiệu chính thuộc về công nghệ và kỹ thuật, còn nghề chuyên cho ngành nông nghiệp hiện chỉ có 2 nghề còn có người đăng ký học là: Cơ điện nông thôn  và sửa chữa trạm  bơm điện. Theo ông Lộc, 70% sinh viên ra trường có được việc làm tốt ở các nghề: Điện công nghiệp, cơ điện tử, cắt gọt kim loại, hàn và công nghệ ô tô. 100% sinh viên ngành hàn có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Với hai ngành nông nghiệp còn lại hầu như người học đã xác định có sẵn đầu ra rồi mới học -ông Đồng Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết.

Trao quyền tự chủ cho các trường

Phát biểu tại hội nghị “Công tác đào tạo nghề nông nghiệp năm 2014” mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: Nguyên nhân chính khiến cho nghề nông nghiệp không được mặn mà lựa chọn là do chương trình đào tạo của các trường quá lạc hậu, xa rời thực tế sản xuất. Bộ trưởng dẫn chứng, nhu cầu về lao động ngành thủy sản là lớn, chẳng hạn tới đây chúng ta quy hoạch có 30.000 con tàu đánh bắt xa bờ sẽ tương ứng cần 30.000 thuyền trưởng, máy trưởng nhưng chất lượng đào tạo nghề nông của các trường hiện nay lại khó đáp ứng nổi. “Đã có nhiều DN nói với tôi rằng, không thể nuôi tôm theo chương trình của các Viện, các trường, thậm chí nhiều nơi họ còn đang làm ngược quy trình vì chương trình chúng ta đưa ra  cách đây hàng chục năm đã quá lạc hậu”, Bộ trưởng nói.

Ông Đồng Văn Lộc kiến nghị: Để trường nghề thực sự đào tạo được nghề phục vụ cho ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cần tạo cơ chế riêng cho các trường tham gia đào tạo các nguồn nhân lực trong chương trình nông thôn mới và tái cơ cấu ngành, góp phần vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho các nguồn nhân lực tại địa phương.

Đồng tình với điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chủ trương của Bộ là trao quyền tự chủ cho các trường trên cơ sở tạo cơ chế hành lang thuận lợi, gỡ khó cho các trường để đem lại những kiến thức sát với những gì diễn ra thực tế cuộc sống. Hiện nay, một số quy định của Bộ đang trói buộc các trường nhiều hơn cả quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ nhanh chóng sửa đổi trong thời gian tới. Những gì Bộ nên làm trong thẩm quyền thì Bộ sẽ ban hành, nếu quá thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ để hỗ trợ tốt nhất các trường.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đề xuất, Bộ NN&PTNT cần sớm ra định hướng phát triển để các trường xác định chiến lược riêng. Bởi khi Bộ quyết định tăng quyền tự chủ cho các trường thì các trường phải tự tìm cách đi, cách làm phù hợp cho mình. Các trường đại học thường không khó khăn trong tự tuyển sinh, nhưng khó ở chỗ cơ chế tài chính hỗ trợ ngân sách ngày càng ít đi. Nông nghiệp khó khăn nhất là tài chính cho đào tạo sẽ thế nào trong cơ chế mới.

 

Giai đoạn 2015-2016, công tác đào tạo của Bộ NN&PTNT tập trung theo hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu chung theo nhu cầu xã hội, trên cơ sở các ngành nghề đào tạo hiện có, đồng thời đẩy mạnh tạo chuyển biến mới về đào tạo ngành nghề nông nghiệp. Kế hoạch 2015-2016: hệ đại học đào tạo 38.423 người; hệ cao đẳng đào tạo 18.250 người; trung cấp chuyên nghiệp 15.670 người; đào tạo nghề 79.833 người. Ưu tiên nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính trong kế hoạch ngân sách hàng năm để phục vụ công tác đào tạo, thu hút các DN trong chuỗi liên kết sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực tài chính và các kiến thức mới về khoa học công nghệ, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Uyển Như
Nguồn baohaiquan.vn