Đất đai không chỉ là tài sản vật chất thuần tuý

(baodautu.vn) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII nhấn mạnh tới yếu tố đất đai là tài sản quý giá, quyền sử dụng đất là loại hàng hoá có giá trị đặc biệt mà quên đi yếu tố đất đai là không gian sống, nơi tạo lập và chứa đựng những quyền căn bản nhất của từng cá nhân và cả cộng đồng
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhận xét, một trong những quan điểm mấu chốt của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhấn mạnh yếu tố: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt; là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất là động lực phát triển của xã hội”.
Nhiều nội dung khác về vấn đề thu hồi đất theo quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng cũng được sửa đổi với hy vọng giảm bớt tình trạng “lạm phát” về khiếu nại đất đai như hiện nay và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, với quan điểm nhìn nhận như trên, sẽ rất khó để giải quyết những vấn đề bức xúc ở lĩnh vực đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thuộc Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự) nhận xét, những năm qua, việc quá nhấn mạnh đất đai là tài sản đã làm biến tướng thị trường này. “Ý nghĩa lớn nhất của đất đai từ muôn đời nay là không gian sinh tồn thiêng liêng của từng cá nhân và cả cộng đồng. Đất đai tự thân nó không phải là hàng hóa, một khi coi đất đai thuần tuý là hàng hoá, thì các nghịch lý, mâu thuẫn diễn ra và một cuộc khủng hoảng về thị trường này xảy ra đương nhiên là điều không tránh khỏi”, ông Lập nói và cho rằng, điều quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Đất đai 2003 là thay đổi quan điểm trong cách tiếp cận vấn đề. Theo đó, đất không chỉ là “phương tiện” hay “tài sản”, mà hơn thế, nó là không gian sống thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Không gian sống đó không chỉ là hiện hữu, mà còn bao gồm đầy đủ cả các yếu tố: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đối với văn hóa người Việt, đất đai còn đồng nghĩa với “hương hỏa, tổ tiên và dòng họ”. Điều này lý giải vì sao những phản ứng hết sức mạnh mẽ của người dân mỗi khi bị thu hồi đất, đặc biệt là đất dành cho các dự án kinh doanh.
Về cơ chế thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”; sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đất giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo Luật sư Lê Thanh Sơn (Văn phòng Luật sư AIC, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), về vấn đề này, Luật Đất đai nên quy định rõ ràng với 2 cơ chế.
Cơ chế thứ nhất: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất, thì phải bồi thường tài sản cho các cá nhân, tổ chức phù hợp với giá thị trường.
Cơ chế thứ hai: Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì nhà đầu tư được quyền thoả thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án của mình.
Theo Baodautu.vn