Đầu tư 18 tỷ đồng cải tạo đất bỏ hoang để nuôi tôm, 3 năm được… 3ha
- Thứ sáu - 06/09/2019 09:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổ hàng tỷ…
Theo báo cáo của UBND huyện Cần Đước, năm 2017, xã Tân Chánh có 195ha đất bỏ hoang, xã Long Hựu Tây có 83ha đất bỏ hoang.
Qua công tác giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh Long An) đã kiến nghị ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục, giảm diện tích đất nông nghiệp thủy sản bị bỏ hoang tại 2 xã Tân Chánh và Long Hựu Tây.
Ao tôm bị "treo" ở Cần Đước.
Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, năm 2017, ngành NNPTNT tỉnh Long An đầu tư nạo vét đắp bờ bao xây dựng công trình thủy lợi kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Cần Đước với tổng số tiền trên 18 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, UBND huyện Cần Đước còn đầu tư công trình thủy lợi nội đồng với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh.
Cùng lúc ấy, năn 2018 ngành Điện lực Long An xây mới và nâng cấp các đường dây trung, hạ áp và các trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh với tổng số tiền 13 tỉ đồng.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, ngành NNPTNT tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ mô hình sản xuất đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Riêng năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, đã hỗ trợ 2 tổ hợp tác nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Đước số tiền 91 triệu đồng.
3 năm được… 3ha
Sau 3 năm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, xã Tân Chánh vẫn còn 143ha đất bỏ hoang so với năm 2017; xã Long Hựu Tây chỉ mới giải quyết được… 3ha.
Giá tôm liên tục ở mức thấp khiến nông dân không đám đầu tư, diện tích đất bỏ hoang ở Cần Đước không được kéo giảm như mong muốn.
Hiện, một số khu vực trên địa bàn xã Tân Chánh đường nông thôn, nội đồng nhỏ hẹp, rất khó đi lại, chưa đáp ứng được giao thương, chở thức ăn hay thuê mướn Kobe đào múc đất làm ao nuôi tôm…
Ông Nguyễn Hoàng Vũ-cán bộ địa chính xã, giao thông-thủy lợi xã Tân Chánh cho biết, trên địa bàn xã còn 20 cầu lớn trên tuyến đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu cho xe tải hoạt động. Ngoài ra, còn gần 200 cầu nhỏ cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa cho nhân dân đi lại, vận chuyển khi nuôi trồng thủy sản.
Ông Vũ cho biết thêm, nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn xã nhất là đoạn giáp sông Vàm Cỏ bị sạt lở khá nặng, ảnh hưởng đến việc vận tải hàng hóa phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản.
Vì sao vùng nuôi tôm tại 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh được đầu tư nhiều mà vẫn chưa hấp dẫn nông dân nuôi tôm, chưa kéo giảm đáng kể đất bỏ hoang? Theo nhiều nông dân nuôi tôm cho biết, đó là do nông dân thiếu vốn đầu tư, dịch bệnh trên tôm hoành hành và giá cả bấp bênh.
Anh Huỳnh Thanh Hải - một nông dân nuôi tôm tại xã Tân Chánh cho biết, để đầu tư 1.000m2 ao tôm nông dân mất ít nhất 100 triệu đồng. Chưa kể tiền giống, thức ăn, thuốc đặc trị. Ngoài ra, nếu nông dân muốn hạ bình trung thế để nuôi tôm phải đầu tư trên 100 triệu đồng.
Nuôi tôm công nghệ cao ở Tân Chánh.
“Giá tôm những năm gần đây khá bấp bênh. Vừa qua, có khi giá tôm thẻ chân trắng 60-70 con/kg, giá chỉ 100.000 đ/kg; 100 -110 con/kg giá từ 80.000-90.000đ/kg. Với giá này, nông dân không có lãi. Trong khi, giá tôm giảm mạnh thì giá thức ăn, thuốc thủy sản, chi phí xăng dầu, điện sản xuất đều tăng cao, người nuôi tôm càng khó khăn hơn, không dám đầu tư nuôi nữa”, anh Hải thổ lộ.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, trong năm 2019, với mục tiêu cải thiện hạ tầng, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi: Sửa chữa cống Bà Xiểng, Nhà Thờ, Mương Tam phục vụ tưới tiêu diện tích 450ha cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh; Sửa chữa cống Mương Lá (xã Long Hựu Tây) phục vụ tưới tiêu 180ha, xây mới cống Bà Nghĩa (xã Tân Chánh).