Đầu tư vốn cho nông dân: Không chỉ là an toàn, hiệu quả
- Thứ hai - 25/03/2013 22:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giới chuyên gia trong ngành tài chính khẳng định, hiện nay người nông dân có hai tài sản quý nhất: Ruộng đất và sản phẩm nông nghiệp. Cả hai loại tài sản này cần được ngân hàng quan tâm đúng mức.
Dù việc giải ngân vốn vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn khiêm tốn trong bối cảnh tín dụng tăng âm, nhưng đã có nhiều thay đổi tích cực. Tín hiệu này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn vẫn luôn là nơi "tránh trú” an toàn hơn cả cho đầu tư tài chính, tín dụng.
Nông dân, người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp
vẫn ít được quan tâm đầu tư vốn để phát triển sản xuất
Theo thống kê, trong tháng 2 lãi suất và tốc độ giải ngân VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, đã ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 9 - 12%/năm (một số ngân hàng áp dụng lãi suất dưới 9%/năm đối với các khách hàng vay vốn xuất khẩu kèm theo cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng).
Không giống như các công ty lớn, các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng đóng tàu cần một lượng vốn lớn đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất xuất khẩu đang rất linh hoạt trong sử dụng vòng quay vốn để đầu tư.
Từ tâm lý ban đầu là e dè thắt chặt hầu bao với các hộ nông dân, đến nay một số NH đã mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với hi vọng kích tín dụng. Một nhân viên tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng NN & PTNT (Agribank) cho biết: Vừa đi thẩm định hồ sơ vay vốn thế chấp 4 tỷ đồng tại một trang trại chăn nuôi lợn rộng 3 ha, với quy mô 6000 con/lứa tại Hải Phòng. Ở thời điểm này, hồ sơ chắc chắn sẽ được NH chấp nhận giải ngân.
Đại diện nhiều ngân hàng còn khẳng định, trong bối cảnh tín dụng tăng âm thì khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp là một kênh khá an toàn, ổn định, thậm chí được đánh giá là tiềm năng. Lãnh đạo NHTMCP Á Châu ACB cho biết, đang xây dựng mô hình vay vốn theo hướng hạn chế thế chấp bằng đất đai. Theo đó, có thể người vay thế chấp bằng hàng hóa sản xuất ra. Tuy nhiên người vay phải minh bạch và đồng ý để NH kiểm soát được dòng tiền trong mua bán hàng hóa của mình.
Tiên phong nhất trong lĩnh vực này hiện nay là ngân hàng Agribank, hiện ngân hàng này đang đa dạng hóa các phương thức cho vay như cho vay theo hạn mức, vay trả góp, vay lưu vụ... Agribank đã mạnh dạn thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo tinh thần Nghị quyết 41/CP của Chính Phủ.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nông dân là khách hàng tiềm năng và truyền thống của NH. Bởi người nông dân vay tiền ngày hôm nay rất có thể sẽ là người gửi tiền ngày mai. Nhờ đó, NH sẽ có vốn rẻ để đầu tư trở lại xã hội.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng: vốn cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện nay phần lớn vẫn dành cho doanh nghiệp, còn nông dân, người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp gần như bị bỏ ngỏ.
Khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp
đang là một kênh đầu tư khá an toàn
Lãnh đạo một NHTM ở Hà Nội giải thích, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 500 triệu đồng, nhưng NH khó áp dụng vì tiêu chí đưa ra quá chung chung. NH cũng không thể mạnh bạo nhận các sản phẩm nông nghiệp để giải ngân được. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận do bất động sản khốn khó nên các NH đang có cái nhìn ưu ái hơn đối với hồ sơ vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các gói tín dụng ưu đãi cho nông thôn cũng được tung ra nhiều hơn.
Giới chuyên gia trong ngành tài chính khẳng định, hiện nay người nông dân có hai tài sản quý nhất: ruộng đất và sản phẩm nông nghiệp. Cả hai loại tài sản này cần được NH quan tâm đúng mức. Do vậy cán bộ tín dụng phải nhìn vào phương án kinh doanh của người nông dân. Nếu người nông dân chưa lên được kế hoạch vay – trả nợ thì NH giúp họ lên phương án làm ăn, sản xuất, trả lãi là được. NH là nơi nắm tiền để đưa sản xuất phát triển, NH cũng muốn quay vòng tiền của mình nhanh thì cần hướng trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư vào con giống, cây giống, tư liệu sản xuất. Khách hàng nông nghiệp là một kênh ổn định, NH cần tháo gỡ khó khăn cho hộ nông dân, như cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất. Có chính sách cho hộ nông dân tiếp cận các dịch vụ, tiện ích ngân hàng tiên tiến.
theo daidoanket.vn