Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt

HNP - Ngày 06/01, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Công văn số 23/SNN-CTTY, đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố.
 

Công văn nêu rõ, để bảo đảm tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản để phục vụ tăng trưởng chung của ngành Chăn nuôi Hà Nội cũng như bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu do bệnh DTLCP, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và đầu năm 2020, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã triển khai việc nuôi tái đàn lợn theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống bệnh DTLCP nhằm sớm góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, trạm chăn nuôi và thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung, cầu và an sinh xã hội. Chỉ đạo thông tin tuyên truyền đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ, những người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể lợi dụng trục lợi đầu cơ tăng giá.

Tăng cường công tác đầu tư phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh; năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản sản xuất tại địa phương; đồng thời, phát huy hiệu quả của việc chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tại các vùng ruộng trũng theo quy định.

Sở NN&PTNT yêu cầu Trung tâm Phát triển Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn hộ chăn nuôi, các trang trại, gia trại về việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi; tuyên truyền vận động các hộ, trang trại chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi lợn không đủ điều kiện áp dụng được các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi động vật khác như: Trâu, bò, gia cầm...

Đáng chú ý, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thực hiện việc đôn đốc, hướng dẫn các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học; phối hợp với các phòng ban chức năng của UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra công tác chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm tra công tác tái đàn lợn tại các hộ, trang trại chăn nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội các tỉnh, thành phố trong cả nước kiểm soát nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn thành phố. Chi cục Thủy sản Hà Nội thực hiện đôn đốc, hướng dẫn về nuôi thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản; phối hợp với cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản...


Theo Thanh Bình/Hanoi.gov.vn