Ðẩy mạnh việc tiêu thụ rau an toàn

Với mục đích kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, hơn một năm nay, sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn Hà Nội đã đi vào hoạt động và đạt kết quả bước đầu.
Ðẩy mạnh việc tiêu thụ rau an toàn

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 56 điểm sản xuất rau an toàn, diện tích 3.800 ha, sản lượng đạt hơn 280 nghìn tấn/năm. Ðiều đáng nói là, mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn, khoảng gần một triệu tấn/năm, nhưng sản phẩm rau an toàn vẫn khó tiêu thụ, phải bán lẫn với rau thông thường, thậm chí rau an toàn còn bị các loại rau nhập lậu không rõ nguồn gốc áp đảo. Nguyên nhân rau an toàn bị "thua" ngay trên sân nhà là do các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, thiếu công nghệ chế biến, bảo quản; năng lực tiếp thị, quảng bá sản phẩm yếu kém. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh rau còn ít, năng lực hạn chế. Sản phẩm từ người sản xuất phải trải qua nhiều khâu trung gian phân phối, cho nên khi đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên cao...

Ðể giúp việc tiêu thụ rau an toàn đạt hiệu quả, từ đầu năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hỗ trợ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam xây dựng sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn (www.sanbanbuon.vn). Nhiệm vụ chính của sàn là hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu; kết nối các nhóm tiêu thụ như các nhà bán buôn, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, nhất là phát triển các tổ tiêu dùng rau an toàn tại các khu dân cư, cơ quan. Tại các khu dân cư, cơ quan, sàn sẽ chọn một người làm đại diện phân phối và được thành phố hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng tháng. Hằng tuần, sàn giao dịch báo giá sản phẩm của các đơn vị sản xuất sẽ được sàn cập nhật và thông báo đến từng điểm phân phối để người tiêu dùng lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh tranh nhất và đăng ký số lượng với trưởng nhóm. Từ hai đến ba lần/tuần, các trưởng nhóm tổng hợp và thông báo chi tiết đơn hàng bằng cách gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử đến sàn giao dịch. Sau đó, sàn sẽ gửi đơn hàng đến các cơ sở sản xuất để tiến hành thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm và vận chuyển đến điểm phân phối vào sáng hôm sau. Ðơn hàng của từng gia đình sẽ được đóng gói trong một túi riêng, có dán tên, chủng loại rau, số lượng và tổng giá tiền. Các gia đình sẽ nhận hàng và trả tiền cho trưởng nhóm để thanh toán cho cơ sở sản xuất vào lần giao hàng tiếp theo.

Chị Nguyễn Thị Hường, sinh sống tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, hình thức cung cấp trực tiếp sản phẩm từ các cơ sở sản xuất rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Người dân rất yên tâm khi sử dụng các loại rau quả có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ và dán tem chứng nhận chất lượng. Họ sẵn sàng mua rau quả an toàn với mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại. Nhưng thực tế khi tham gia tổ tiêu dùng, người dân còn được mua rau quả an toàn với giá gốc từ nhà sản xuất, cho nên giá bán chỉ tương đương với các loại rau thông thường trên thị trường. Thí dụ như, su hào 5.000 đồng/củ, cải củ 6.000 đồng/kg, bí xanh 7.000 đồng/kg, dưa chuột 8.000 đồng/kg, cải bắp 8.000 đồng/kg, xà-lách 18.000 đồng/kg, rau mùi 22.000 đồng/kg...

Dù mới chính thức hoạt động từ tháng 9-2011, nhưng cho đến nay sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn đã phát triển được hơn 40 tổ tiêu dùng tại các quận nội thành. Sản lượng rau quả của các cơ sở sản xuất tiêu thụ qua sàn khoảng 1,2 đến 1,3 tấn/ngày. Hiện nay, sàn đang giới thiệu, quảng bá và kết nối giao dịch rau an toàn cho gần 30 HTX dịch vụ nông nghiệp, cơ sở sản xuất như Văn Ðức, Lệ Chi, Ðông Dư (huyện Gia Lâm), Lĩnh Nam, Ðại Lan (huyện Thanh Trì), Minh Hiệp, Ba Chữ (huyện Ðông Anh), Hòa Bình (quận Hà Ðông); các loại quả an toàn như thanh long ruột đỏ (trang trại Hoài Anh), ổi, táo (xã Cự Khối, quận Long Biên), cam Canh của xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) và Ðắc Sở (huyện Hoài Ðức)... Tất cả các sản phẩm có mặt trên sàn đều đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Chi cục Bảo vệ thực vật tại các quận, huyện tiến hành giám sát trong suốt quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và dán tem nhận diện tại nguồn.

Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam Nguyễn Thành Lưu chia sẻ, ngoài 40 tổ tiêu dùng đang hoạt động ổn định, sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn đã thỏa thuận, ký hợp đồng mở rộng nhiều điểm phân phối khác tại khu đô thị Mỹ Ðình, khu đô thị Vinaconex, khu liên cơ quan quận Thanh Xuân... Dự kiến trong năm 2013, sàn sẽ phát triển hơn 300 tổ tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Về lâu dài, công ty sẽ phát triển sàn giao dịch để khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với các đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động của sàn giao dịch đang gặp một số vướng mắc, như thiếu các sản phẩm thực phẩm an toàn; một số đơn vị cung cấp sản phẩm chưa thực hiện đúng thời gian giao hàng; chất lượng rau quả chưa đồng đều; quá trình đóng gói, vận chuyển chưa bảo đảm đúng quy trình...

Ðẩy mạnh việc tiêu thụ rau an toàn qua hình thức phân phối sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng như hoạt động của sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn Hà Nội là việc làm cần thiết, hiệu quả. Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Thương mại cần tiếp tục hỗ trợ sàn giao dịch phát triển mạng lưới các tổ tiêu dùng, đa dạng sản phẩm giao dịch trên sàn; nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm tiếp vận để các cơ sở sản xuất tập kết sản phẩm, phân loại và vận chuyển đến các điểm tiêu thụ... Bản thân sàn giao dịch cần tăng cường phối hợp với cơ sở sản xuất và người tiêu dùng để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng, nhanh chóng với giá cạnh tranh.

 


ÐẮC SƠN

Theo nhandan.org.vn