Đẩy mạnh xã hội hóa, giảm nghèo bền vững

Đẩy mạnh xã hội hóa, giảm nghèo bền vững
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng cường thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào vùng khó khăn sẽ khiến chương trình giảm nghèo trở nên bền vững.

 

Đại biểu Trần Khắc Tâm (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chương trình giám sát giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012. Tất cả các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá cao kết quả công tác giảm nghèo đã đạt được, đại biểu Trần Khắc Tâm (tỉnh Sóc Trăng) góp ý thêm: Bên cạnh sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành thì giảm nghèo không thể bền vững nếu kinh tế không tăng trưởng, do vậy cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác này.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Võ Kim Cự (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, địa phương nào có cách làm sáng tạo, thu hút doanh nghiệp đầu tư (vốn, công nghệ, trình độ quản lý) vào nông thôn, nông nghiệp, liên kết với nông dân, tạo ra vùng sản xuất, tiêu thụ rộng lớn thì sẽ thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, "trên thực tế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh, khi mà doanh nghiệp vẫn e ngại tính rủi ro, lợi nhuận thấp", chính vì vậy đại biểu Võ Kim Cự đề nghị phải có những chính sách đủ mạnh để giải quyết khó khăn này của doanh nghiệp.

Đối với giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển… đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng yếu tố quyết định là phải giải quyết cơ bản công ăn việc làm cho người dân, phát triển sản xuất hàng hóa, xóa bỏ nền sản xuất tự cung, tự cấp. Nếu tất cả đồng bào có đất, có rừng để sản xuất, được nhận lương bảo vệ, trồng rừng thì chắc chắn sẽ có cuộc sống bền vững hơn.

Đại biểu Tô Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng giao thông đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn để khắc phục những hạn chế về tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, thúc đẩy việc giao lưu trong xã hội, từ đó hình thành chuyển biến trong nhận thức về giảm nghèo của người dân.

Không có chính sách cho không

Các đại biểu cũng cho rằng, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay đã bước sang giai đoạn mới là giảm nghèo phải bền vững, chính vì vậy cần có các chính sách khuyến khích người dân tự giác vươn lên thoát nghèo, không để tiếp diễn tình trạng tái nghèo.

Đại biểu Ngô Thị Minh (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu lại thực trạng nhiều chính sách giảm nghèo hiện hành mang tính “cho không”, đã khiến một bộ phận hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không chịu vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị việc sửa đổi, thiết kế các chính sách giảm nghèo phải khắc phục được hạn chế này.

Các đại biểu Trần Khắc Tâm, Ngô Thị Minh (Quảng Ninh)… đề nghị Chính phủ chỉ nên hỗ trợ thường xuyên với người nghèo và hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng mà họ không thể thoát nghèo. Các trường hợp nghèo khác, chính sách của Nhà nước cần hỗ trợ có thời hạn nhất định và kèm theo điều kiện cụ thể để người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành và phải vươn lên để thoát nghèo.

Theo bà Minh, không thể để tồn tại tình trạng người nghèo có sức khỏe, nhưng lười lao động, ở nhà chơi bời cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con... và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước.

Đối với những trường hợp tái nghèo do những lý do khách quan như ốm đau, mất mùa… đại biểu Trần Khắc Tâm kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu chính sách theo dõi sau thoát nghèo. Nếu người dân gặp nguy cơ tái nghèo vì lý do khách quan thì các cơ quan, hội, đoàn thể sẽ kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ dân khắc phục khó khăn.

 
 Thảnh Chung 
Nguồn baodientu.chinhphu.vn