Dạy nghề nông dân cần
- Thứ năm - 03/04/2014 05:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông qua nhu cầu đăng ký của người dân 2 xã Tế Thắng và Vạn Hòa, UBND huyện mở 2 lớp dạy nghề trồng rau an toàn và kỹ thuật chăn nuôi. Sau hơn 3 tháng, gần 70 nông dân đã áp dụng thành thạo.
Nhu cầu lớn
Những năm gần đây, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, cho vay ưu đãi theo chương trình xây dựng NTM, nông dân xã Tế Thắng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Tính đến đầu năm 2014, toàn xã có 78 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có những trang trại lớn mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 800 triệu - 1 tỷ đồng.
Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tế Thắng, do số lượng hộ chăn nuôi trong xã nhiều nên người dân chủ yếu đăng ký học nghề chăn nuôi, thú y. Từ trước đến nay đã có ba, bốn lớp dạy nghề này cho bà con nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Mấy hôm nay ngày nào cũng có 4 - 5 chủ trang trại, gia trại đến HTX đăng ký học nghề thú y, chăn nuôi. Nhiều người còn đề nghị nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì nhờ xã đấu nối với Trung tâm GDTX & dạy nghề của huyện mở lớp, họ sẽ tự đóng tiền học phí để đi học”, ông Đông cho biết thêm.
Đúng như lời ông Đông nói. Khi chúng tôi có mặt trong phòng của ông thấy 5 người đến xin đăng ký đi học, một số người khác thì làm các thủ tục thuê đất, vay vốn để đầu tư chăn nuôi. Anh Lê Văn Thành, thôn 7 cho biết, năm 2013 vì lý do gia đình nên anh không đăng ký đi học, nhưng quá trình phát triển trang trại anh thấy kinh nghiệm chăn nuôi của mình còn hạn chế, trong khi những người hàng xóm đi học về đã áp dụng hiệu quả nên đầu năm nay anh lên xã đăng ký sớm vì nếu muộn sẽ hết “suất”.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Nông Cống, mỗi năm huyện đăng ký 4 lớp dạy nghề trồng trọt và chăn nuôi, thú y. Ngoài ra còn có một số nghề khác như mạ khay máy cấy, đan nón, một số mô hình mới…
“Trên thực tế nhu cầu học nghề chăn nuôi, thú y và trồng trọt của bà con còn nhiều hơn bởi 80% số dân Nông Cống làm nông nghiệp. Vì thế những khóa học liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi rất được bà con quan tâm đăng ký. Sau khi học xong những kiến thức thu nhận được nông dân áp dụng vào thực tiễn cũng rất thuần thục, hiệu quả”, ông Đồng Minh Quân, phụ trách Phòng NN- PTNT huyện nói.
Theo phân tích của ông Quân, 3 năm lại nay công tác chuyển giao, tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân được xem là yếu tố mũi nhọn trong SXNN trên địa bàn. Hằng năm thông qua nhu cầu đăng ký của người dân, huyện đăng ký với tỉnh và giao cho Trung tâm GDTX & dạy nghề Nông Cống triển khai giảng dạy.
Trong quá trình học, học viên vừa được học lý thuyết vừa được thực hành theo mô đun trong giáo trình của Bộ NN-PTNT. Sau khóa học nông dân được cấp chứng chỉ nghề, thậm chí học viên nào đang yếu còn được giáo viên “cầm tay chỉ việc” tận tình.
“Phải khẳng định rằng 2 lớp học trồng rau an toàn và chăn nuôi, thú y năm 2013 đạt kết quả rất tốt. Đây sẽ là những mô hình tiên tiến để chúng tôi nhân rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, những học viên lớp chăn nuôi, thú y sau khi học đã SX ra sản phẩm sạch, an toàn; giảm vòng quay quá trình chăn nuôi từ 4 tháng xuống 2,5 tháng/lứa, góp phần tăng thu nhập từ 1,5 - 2 lần so với trước khi tham gia lớp học”, ông Quân khẳng định.
Nghề chăn nuôi, thú y vẫn "hot"
Để giàu lên nhờ chăn nuôi và bí quyết để phát triển chăn nuôi bền vững theo anh Lê Xuân Quý, thôn 8, xã Tế Thắng là tham gia các lớp dạy nghề.
Sau khi học nghề anh Quý đã biết chẩn đoán lâm sàng dịch bệnh trên đàn lợn để phòng trừ kịp thời
Năm 2013, toàn tỉnh Thanh Hóa tổ chức được 38 lớp với 1.306 học viên của 16 huyện, thị, thành phố học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Có 18 nghề thuộc 4 nhóm nghề được triển khai gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và nghề dịch vụ, chế biến. Ngoài ra, có 20 lớp/735 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Như Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước và Lang Chánh cũng được đào tạo 3 nhóm nghề nông nghiệp theo Nghị quyết 30a |
“Trước đây tôi chỉ học mót kỹ thuật chăn nuôi của những người đi trước và qua ti vi, sách báo, nhưng vì thực hiện không đúng các công đoạn nên hiệu quả rất hạn chế. Thậm chí có những lúc lợn, vịt bị bệnh cũng không phát hiện ra, đến khi vật nuôi chết đầy ra thì đã quá muộn. Vì thế, tôi nghĩ muốn thành công thì nhất định phải trải qua lớp chăn nuôi, thú y”, anh Quý nhấn mạnh.
Năm 2010 gia đình anh bắt đầu xây dựng trang trại trên diện tích 2 mẫu, sau bao lần thất bại từ năm ngoái đến nay trong chuồng thường xuyên có 14 con lợn nái; 100 con lợn thịt; một ao cá và hàng trăm con vịt. Thu nhập bình quân mỗi năm đạt 500 - 600 triệu đồng.
Anh Quý chia sẻ: “Sau 3 tháng học nghề tôi đã tích lũy được các kiến thức tổng quát về kỹ thuật chăn nuôi cũng như phát hiện triệu chứng lâm sàng gia súc, gia cầm bị bệnh từ đó áp dụng những biện pháp thích hợp điều trị cho vật nuôi khỏi bệnh”.
Ngoài anh Quý, lớp học này còn thu hút nhiều học viên có trình độ đại học, cao đẳng tham gia. Cụ thể như anh Nguyễn Văn Khánh, thôn 8 sở hữu 2 bằng ĐH (ngoại ngữ và kinh tế); chị Hoàng Thị Yến, thôn 4A (bằng du lịch); anh Thịnh (bằng cơ khí)…
Khi được hỏi lý do tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, chị Hoàng Thị Yến nói: “Vợ chồng tôi đều không biết nhiều về chăn nuôi nên tôi đăng ký học để tích lũy thêm kinh nghiệm, biết đâu sau này đầu tư thêm xây dựng thành trang trại lớn. Với lại, quá trình học tôi hiểu sâu hơn nhiều loại dịch bệnh nên phòng bệnh hiệu quả hơn; đặc biệt khi lợn, gà bị bệnh cũng có thể tự tiêm được chứ không phụ thuộc cán bộ thú y như trước đây”.
Được biết, gia trại của chị Yến trung bình mỗi lứa có 30 con lợn thịt; 200 - 300 con gà và 800 con vịt.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Lê Thanh Đông, đến thời điểm này nhu cầu đăng ký học nghề chăn nuôi, thú y của xã Tế Thắng đã xấp xỉ 1 lớp (khoảng 30 người). “Nếu tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, tôi cho rằng giáo viên cần tạo điều kiện để học viên học thực hành nhiều hơn vì đó là cách dạy giúp người chăn nuôi tiếp thu nhanh nhất, vận dụng vào thực tiễn hiệu quả nhất”, ông Đông nói.
Nguồn: nongnghiep.vn