Dây thuốc cá phát triển mạnh bởi có thu nhập khá
- Thứ sáu - 08/06/2018 19:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dây thuốc cá trồng tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu |
Thuốc cá là loại dây bò lan trên mặt đất giống như khoai lang. Vỏ và thân dây có màu hơi đen, lá to, phát triển rất nhanh. Dây thuốc cá chỉ sử dụng ở phần rễ. Rễ sau khi giã nát sẽ cho một chất nước màu trắng đục (còn gọi là mủ), mùi nồng cay, chứa nhiều hoạt chất Rotenol, có tác dụng độc hại đối với các loài cá, ếch, lươn và các loại côn trùng có hại cho mùa màng nhưng lại có lợi đối với loài giáp xác như tôm sú.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, rễ dây thuốc cá có tác dụng diệt các loài cá tạp và sinh vật gây hại trong vuông tôm. Thông thường, người ta dùng 10kg rễ dây thuốc cá giã nát, vắt lấy nước xử lý cho một vuông tôm 3.000m2. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng rễ dây thuốc cá xay nhuyễn vắt lấy nước phun lên rau màu diệt trừ sâu bệnh, thay cho các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đặc biệt đối với người nuôi tôm sú, ngoài việc sử dụng các loại thuốc công nghiệp, nhiều người còn dùng rễ dây thuốc cá để xử lý ao mương, làm sạch môi trường đồng thời tăng cường kích thích giúp cho tôm mau lột vỏ, tăng trưởng nhanh.
Dây thuốc cá đang xuống giống |
Cách nay vài thập niên, nông dân đa số đều sử dụng rễ dây thuốc cá để xịt lên hoa màu diệt sâu rầy. Nhưng từ khi thuốc bảo vệ thực vật phổ biến, nhiều người đã chuyển sang dùng thuốc công nghiệp vừa tiện lợi vừa hiệu quả. Gần đây, một số nông dân đã ý thức được tác hại của các loại hóa chất nông nghiệp nên bắt đầu sử dụng trở lại rễ dây thuốc cá, một loại nhựa có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dây thuốc cá là một loại dây dễ trồng, công chăm sóc nhẹ, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế khá cao nên nhiều hộ nông dân đang có xu hướng chọn dây thuốc cá thay cho các mô hình rau màu khác. Tại một số xã ở huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu là nơi có diện tích trồng dây thuốc cá nhiều nhất.
Anh Nguyễn Văn Phướng cho biết, dây thuốc cá sau khi thu hoạch, người ta cắt lấy dây làm hom để xuống giống trở lại, bình quân mỗi công đất cần 5.000 hom. Thời gian trồng 1 năm thì thu hoạch. Nếu kéo dài thời gian lâu hơn rễ càng già và năng suất cũng cao hơn. Dây thuốc cá có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa sẽ đỡ tưới nước.
Ông Thạch Nol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết, diện tích trồng dây thuốc cá ở các vùng nuôi tôm tăng lên đáng kể. Chỉ riêng xã Vĩnh Hải cũng có tới 200ha, một phần là do ít vốn đầu tư, đầu ra ổn định, người trồng chỉ có lãi nhiều hoặc ít chứ không bao giờ lỗ. Ba bốn năm về trước giá rễ dây thuốc cá chỉ có 10.000đ/kg, nay lên đến 28.000 – 32.000đ/kg. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng lưu ý bà con nông dân không nên phát triển ồ ạt mà nên cân nhắc trước khi mở rộng diện tích để tránh tình trạng “hàng nhiều dội chợ”.
Rễ dây thuốc cá |
Thu hoạch rễ dây thuốc cá |
Chị Nguyễn Thị Kiều Diễm ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải cho biết, chị có 3 công đất trồng dây thuốc cá, năm 2017 thu hoạch được 2.000kg, bán với giá 28.000đ/kg, thu nhập trên 50 triệu đồng. Một người trồng 10 công mỗi năm có thể thu nhập trên 150 triệu. |