Để cá cảnh “vượt vũ môn”
- Thứ ba - 24/11/2015 08:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ phận đóng hàng ở Công ty Saigon Aquarium (Củ Chi, TPHCM)
TP.HCM - Trung tâm cá cảnh Việt Nam
Theo Tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc (FAO), giá trị xuất nhập khẩu cá cảnh tăng trưởng bình quân 14%/năm, với giá trị thương mại khoảng 15 tỷ USD. Trong đó, Singapore (xuất khẩu 300 triệu USD), Mỹ, Nhật Bản, Hồng Công… có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Nghề nuôi cá cảnh Việt Nam có những thuận lợi cơ bản như: Có tiềm năng lớn để phát triển cá cảnh nhờ khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và sự đa dạng của hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do nằm ở một trong 3 khu vực trọng tâm cá cảnh thế giới nên Việt Nam thích hợp về phát triển nhiều loại cá cảnh nội địa đẹp, quý hiếm (cả nước ngọt và nước mặn). Hầu như các loại cá cảnh thế giới đều có thể sống ở Việt Nam.
Thành phố Sài Gòn trước năm 1975, nay là TPHCM, từng có thời kỳ giữ vị trí nhất định ở khu vực Đông Nam Á về nghề nuôi và xuất khẩu cá cảnh. Trước năm 1945, theo nghệ nhân Võ Văn Sanh (TPHCM), thế hệ thứ ba của gia đình nuôi cá cảnh, ở Sài Gòn đã hình thành 3 khu vực bán cá cảnh là đường Lưu Xuân Tín, Trần Hòa và Chợ Cũ. Ngày nay, chợ Lưu Xuân Tín (quận 5) vẫn còn là chợ đầu mối cá cảnh lâu đời và lớn nhất Việt Nam. Trong những lần tham gia triển lãm cá cảnh một số nước, cá cảnh Việt Nam đã được sự thừa nhận cũng như ưa chuộng của thế giới. Năm 1995, tại cuộc triển lãm Hội thi Cá cảnh quốc tế Aquarium ở Singapore, cá đĩa Việt Nam đoạt 7 trong 13 giải thưởng, gây sự ngạc nhiên thú vị; nhiều người kỳ vọng đây là báo hiệu sự trở lại nghề cá cảnh ở Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng. Hiện nay, việc sản xuất và ương nuôi cá cảnh tập trung tại một số thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Hà Nội cũng từng là một trung tâm sản xuất cá cảnh với một số làng nghề truyền thống như Nghi Tàm, Nhật Tân. Nhưng do không cạnh tranh được với cá cảnh ngoại nhập nên hầu hết các hộ chuyển sang kinh doanh cá cảnh. Còn TPHCM vẫn là trung tâm cá cảnh của cả nước, với lịch sử hình thành và phát triển nghề nuôi, kinh doanh cá cảnh lâu đời. Năm 2015, cả nước có khoảng 505 cơ sở sản xuất, ương nuôi cá cảnh, sản xuất 104 triệu con giống, trong đó TPHCM chiếm 96% tổng sản lượng.
Việt Nam sản xuất cá cảnh vừa tiêu thụ nội địa vừa để xuất khẩu sang 47 nước, trong đó châu Âu (chiếm 71%); châu Mỹ và Mỹ (11,2%); châu Á chủ yếu là Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Australia, Singapore… (17,5%). TPHCM là đầu mối các hoạt động sản xuất, phân phối và xuất khẩu. Việt Nam xuất khẩu trên 60 loài cá cảnh, trong đó cá cảnh nước ngọt chiếm 97% với giá trị xuất khẩu chiếm 94,5%, nhiều nhất là cá Neon (16%), cá Xiêm (10,4%), cá Moly, Hắc Kim và Trân Châu (hơn 10%), cá bảy màu 7%, tai tượng 7%... Cùng với Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là một trong 3 khu vực có nguồn cá cảnh nổi tiếng thế giới từ lâu.
Cần có những hội chợ, triển lãm cá cảnh định kỳ
Rất tiếc, cho đến nay, vai trò và vị thế cá cảnh Việt Nam vẫn trong giai đoạn tìm lại vinh quang đã có, chưa thể “vượt vũ môn” khi chỉ mới xuất khẩu khoảng 12 triệu USD/năm. Việc nuôi cá cảnh vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, theo kiểu truyền thống và rời rạc. Hiện nay, ở TPHCM đã hình thành những công ty nuôi cá cảnh được đầu tư bài bản, hiện đại. Phát biểu tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh Việt Nam”, anh Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (Củ Chi), cho biết: giống là một trong những yếu tố khiến ngành nuôi cá cảnh chưa thể phát triển như mong muốn. Do thời gian dài gần như cách ly nên khi trở lại, Việt Nam đi sau, lạc hậu với thị trường. Có những giống các nước đã nuôi cả chục năm mà doanh nghiệp trong nước mới nhập về nuôi. Việc nhập giống chính ngạch, do trong danh mục không có mục cá cảnh giống, nên bị áp thuế cao như cá hàng hóa bình thường. Vì chậm cập nhật nên nhiều loại cá cảnh được nuôi nhưng nằm ngoài danh mục, gây khó khăn cho người nuôi. Ví dụ như con tép cảnh, được nhiều nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore… mua về nuôi, có con bán 2.000USD, nhưng Việt Nam vẫn cấm, phải nhập lậu về nuôi. Trong khi đó, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi các nước EU, sau đó Mỹ liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam do không nắm trước nên bị động. Phải mất vài năm mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhưng lúc đó khách hàng cũ đã có nguồn cung từ nước khác. Nhiều ý kiến cho rằng, để quảng bá cá cảnh Việt Nam, trước hết nên có hội chợ, triển lãm cá cảnh định kỳ trong nước theo kiểu đến hẹn lại lên để người dân biết, với hơn 90 triệu người đã là thị trường hấp dẫn. Cũng qua hội chợ, nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ biết để chủ động lịch trình tham quan. Những nước như Singapore, Thái Lan… đã làm từ lâu và rất hiệu quả với cách làm này.
Một hạn chế khác, công nghiệp hỗ trợ nghề cá cảnh gần như chưa có (các thiết bị hỗ trợ kèm theo như hồ cá, cây thủy sinh…). Điều băn khoăn lớn hơn là dịch bệnh. Khi được nuôi với số lượng lớn, vấn đề dịch bệnh trên cá cảnh là nỗi lo, bởi chưa có “bác sĩ” đúng nghĩa trị bệnh cho cá cảnh, mỗi loài có bệnh khác nhau. Những nước có nghề cá cảnh phát triển đều có riêng trung tâm chuyên xử lý những vấn đề liên quan đến dịch tễ và thú y của cá cảnh.