Để các chính sách hỗ trợ thực sự song hành cùng nền nông nghiệp
- Thứ ba - 04/03/2014 23:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, tỉnh triển khai sâu rộng các chủ trương trên và tạo được lòng tin và sự ủng hộ của người dân, sản xuất nông nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất quy mô lớn. Tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa được nâng lên 87% trên tổng diện tích gieo trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất hàng năm trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật từng bước được quan tâm cải thiện đáp ứng nhu cầu cơ bản cho sản xuất, hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bền vững...
Tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện 6.600/200.000ha diện tích canh tác lúa áp dụng theo hướng GAP. Đối với cây ăn trái, bước đầu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP và GlobalGAP với diện tích 100/25.000ha. Riêng đối với ngành hàng sản xuất cá tra có tổng diện tích ao nuôi đạt trên 30% tổng diện tích, đã áp dụng và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, SQF, BMP...
Các sản phẩm ứng dụng GAP bước đầu đã được khách hàng trong và ngoài nước quan tâm. Đối với sản phẩm thủy sản, hiện đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng sản phẩm cây ăn trái, đặc biệt là xoài tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được cấp mã vùng xuất sang New Zealand và được một số doanh nghiệp của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc tiến đến liên kết và thu mua...
Chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp bước đầu được người dân quan tâm do thấy được sự chia sẻ rủi ro khi thiên tai dịch bệnh xảy ra. Trong những năm qua, tỉnh đã thí điểm chương trình này tại 3 huyện: Châu Thành, Tháp Mười, Tân Hồng. Tính riêng trong năm 2013, Công ty bảo hiểm Bảo Việt tỉnh đã tổ chức bồi thường cho các hộ dân tham gia bị thiệt hại trên cây lúa do bị ngập úng và dịch bệnh làm giảm năng suất với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Chính sách thu mua lúa tạm trữ lúa gạo “ra đời” nhằm giúp nông dân sản xuất có lãi 30% là một chủ trương đúng đắn và được nông dân kỳ vọng cao. Trong năm 2013, tỉnh có 7 doanh nghiệp thu mua tạm trữ, đã thu mua được 86.444 tấn gạo quy đổi, đạt 117% chỉ tiêu Hiệp hội giao trong vụ đông xuân. Riêng trong vụ hè thu, thu mua tạm trữ đạt 103% so kế hoạch.
Sự đồng hành của những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn đã tạo được điểm nhấn riêng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp, việc triển khai thực hiện các chính sách thời gian qua còn nhiều chồng chéo bất cập, thiếu đồng bộ, đồng thời một số chính sách chưa đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đối với chính sách quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản thì hạn chế là giá cả giữa các loại nông sản sản xuất theo hướng GAP và sản phẩm thường không có sự chênh lệch, trong khi người nông dân phải tuân thủ đúng theo quy trình nhất định, nên chưa tạo được sức hút cho người nông dân. Theo đó, thời gian chứng nhận VietGAP chỉ có 2 năm, người nông dân không đủ thời gian để khai thác lợi thế sản phẩm sản xuất theo hướng này thì chứng nhận đã hết hạn...
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được thực hiện một cách nhanh chóng kịp thời, mức hỗ trợ cho các đối tượng không thuộc diện hộ nghèo ở mức thấp cũng là một trong những điểm “nghẽn”. Một số trường hợp dịch bệnh gây hại như chuột, nhện gié, lem lép hạt lại không thuộc đối tượng được bảo hiểm khiến người nông dân chưa mặn mà. Trên cơ sở đó, tỉnh kiến nghị nâng mức hỗ trợ chi phí bảo hiểm đối với các hộ không thuộc hộ nghèo lên 70-80% và doanh nghiệp là 40%. Quy trình công bố dịch hại khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp cần nhanh gọn và giao cho UBND huyện công bố sau khi được xác nhận và thẩm định của cơ quan chuyên môn.
Nhiều năm qua, chính sách thu mua lúa tạm trữ đã mang lại những điểm nhấn quan trọng giúp người nông dân có lãi. Tuy nhiên, việc quy định thời gian thu mua lúa cho nông dân chưa phù hợp, thường bị chậm so với thời gian thu hoạch của từng mùa vụ. Do chưa xây dựng được quy chế, quy phạm thu mua tạm trữ lúa gạo nên việc phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu sự gắn kết với từng địa phương, dẫn đến phân bổ chỉ tiêu không phù hợp với năng lực thực tế của doanh nghiệp và năng lực sản xuất lúa gạo của địa phương. Vì thế, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương cần chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các địa phương để tỉnh phân bố lại cho doanh nghiệp và chỉ đạo thực hiện tạm trữ lúa.
Theo Báo Đồng Tháp Online.