Để có một mùa cưới văn minh

Để có một mùa cưới văn minh
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 20 về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tại Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều đám cưới theo nếp sống mới, đám cưới được tổ chức tiết kiệm, văn minh… Tuy nhiên, vẫn còn đó trong xã hội những đám cưới rình rang, tốn kém, tạo ra dư luận xã hội không tốt. Một mùa cưới nữa lại đang đến, và để có những đám cưới văn minh rất cần đến ý thức của người dân và sự động viên, tuyên truyền của lãnh đạo các địa phương, đơn vị…

 

Để có một mùa cưới văn minh

Với ý nghĩ ngày cưới là ngày trọng đại nhất trong đời, nhiều cô dâu, chú rể và các bậc cha mẹ đã quyết tâm bỏ rất nhiều tiền để mua sắm và tổ chức tiệc cưới một cách sang trọng, xa hoa. Dù xẩy ra từ đầu năm nhưng đến nay “đám cưới 50 tỷ” của đại gia ở Hương Sơn vẫn để lại dư luận không tốt về sự phô trương, lãng phí. Trước đó, một “đại gia” mới nổi ở Kỳ Anh cũng tổ chức đám cưới lãng phí không kém khi lễ rước dâu “rồng rắn” trên phố với gần 100 chiếc ô tô sang trọng và chủ nhân còn mời hẳn danh hài Xuân Bắc về biểu diễn tại đám cưới. Người tấm tắc thì ít mà người bất bình thì nhiều. Giàu có không có nghĩa là biết sống văn minh, thể hiện trong những hoàn cảnh như thế. Trong khi quê hương còn nghèo, nhân dân còn khổ, việc làm thiếu văn minh của các “đại gia” ấy ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân, mà, rất có thể nó sẽ tác động dẫn đến những hệ lụy không đáng có…

Về việc cưới, Chỉ thị 20 nêu rõ: “Tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc, hạn chế tối đa việc tổ chức ăn uống, chỉ được phép mời khách trong dòng tộc, láng giềng và nội bộ cơ quan, đơn vị, khuyến khích tổ chức đám cưới tập thể và bằng tiệc ngọt”. Theo đó, thực hiện đám cưới văn minh không nhất thiết phải tổ chức tiệc ngọt theo hình thức “nếp sống mới” mà gia chủ vẫn có thể mời khách, chỉ cần tổ chức tiết kiệm và hạn chế số lượng khách mời.

Thực tế là đã có khá nhiều cán bộ đầu ngành thực hiện tốt việc này như đám cưới của gia đình ông Phan Cao Thanh – GĐ Sở KH& ĐT, ông Bùi Xuân Tam – Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, bà Phan Thư Hiền – Phó GĐ Sở VH – TT & DL và khá nhiều cán bộ, đảng viên ở Tỉnh đoàn, thành phố…đã được tổ chức rất văn minh, tiết kiệm để người không được mời cũng cảm thấy vui và người được mời cũng không có cảm giác mình bị ép buộc. Đồng chí Huy Tài – cán bộ Tỉnh đoàn cho biết: “Noi gương các đồng chí trong cơ quan, đám cưới của tôi cũng được thực hiện theo hình thức nếp sống mới, thay vì gửi thiệp mời tôi đã gửi thiệp báo hỷ cho một số bạn bè. Đám cưới tuy giản dị nhưng vô cùng ấm áp, hạnh phúc, hơn thế nữa tôi còn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc và thời gian”.

Để có một mùa cưới văn minh

Đám cưới quê giản dị mà không kém phần long trọng

Cùng với sự tiên phong, gương mẫu của những cán bộ nêu trên, thời gian qua các huyện thị và một số ban ngành cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện Chỉ thị này. Trong phong trào đó đã nổi lên một số đơn vị như: Tỉnh đoàn, thành phố Hà Tĩnh, xã Thạch Liên (Thạch Hà), Cẩm Nhượng (CX)... Anh Nguyễn Huy Cường – Chuyên viên Phòng văn hóa Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi Chỉ thị ban hành, phòng văn hóa đã phối hợp với thành đoàn triển khai tuyên truyền qua các chủ đề sinh hoạt ở các cơ quan, đơn vị và các phường xã. Sinh hoạt ở đâu chúng tôi tổ chức cho thanh niên ký cam kết ở đó. Đến nay trên địa bàn thành phố có khá nhiều đơn vị thực hiện tốt việc này, trong đó nổi bật nhất là khối phố 5 phường Tân Giang. Tại đây, Chi bộ ra Nghị quyết và yêu cầu đảng viên, nhân dân khối phố phải thực hiện việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 20 và đến nay đã có 15 đám cưới được tổ chức theo hình thức nếp sống mới”.

Để có một mùa cưới văn minh

Đám cưới theo hình thức nếp sống mới của cán bộ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh nhận được sự đồng tình của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình.

Bên cạnh đó, vẫn còn có khá nhiều cán bộ, đảng viên chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Chỉ thị 20. Không chỉ không tiết kiệm trong việc mua sắm cho lễ cưới họ còn mời khách quá rộng rãi, thậm chí có những trường hợp còn mời theo danh bạ điện thoại nội bộ của ngành. Anh Hùng – Một cán bộ công tác trong lực lượng vũ trang cho biết: “Có đám cưới tôi được mời mà không muốn đi vì người mời với mình có thân quen gì đâu, chỉ là gặp gỡ mấy lần sơ sơ thôi”. Khi việc thực hiện đám cưới văn minh, tiết kiệm được chưa nhận thức đầy đủ thì trường hợp như anh Hùng cũng không phải là hiếm.

Không chỉ thể hiện ở góc độ khách mời, đám cưới văn minh còn đòi hỏi gia chủ biết lựa chọn hình thức tổ chức sao cho vừa đậm tính truyền thống vừa hợp với thời đại mới. Ngoài những thủ tục trầu cau, đeo nhẫn, rót rượu hồng đào, thiết nghĩ, gia chủ không nên tiến hành các thủ tục trao quà của gia đình tại lễ thành hôn vừa tránh được sự phô trương, gây hiểu nhầm không đáng có giữa 2 họ vừa tiết kiệm thời gian. Trong đám cưới ngày nay, việc có thêm dàn nhạc sống và các tiết mục văn nghệ đã tạo thêm nét tươi vui cho khách khứa nhưng cũng không nên quá lạm dụng mở loa đài quá cỡ và âm nhạc không phù hợp gây phản cảm cho khách cũng như hàng xóm (nếu tổ chức ở nhà). Một điều khá quan trọng nữa nằm ở người dẫn chương trình đám cưới. Một đám cưới văn minh không thể có một người dẫn chương trình nói xằng, nói bậy, nói những điều không đúng thực tế, cá biệt còn có những nghệ sỹ thuộc đoàn văn công khi dẫn chương trình đám cưới còn cầm míc và hét 1,2,3 dô dô dô rất phản cảm, gây không ít khó chịu cho khách khứa. Lựa chọn hình thức tổ chức là quyền của gia chủ nhưng nếu biết chọn lọc thì đám cưới sẽ văn minh hơn.

Mùa cưới năm nay đang đến rất gần, để mỗi đám cưới không bị mất đi tính trọng đại mà lại thể hiện được nét văn minh phụ thuộc rất lớn vào ý thức mỗi người dân và sự tuyên truyền, vận động của địa phương, đơn vị.

Anh Hoài
Theo baohatinh.vn