Để ngành chăn nuôi chủ động tham gia AEC, TPP: Phải tổ chức lại sản xuất
- Thứ sáu - 26/06/2015 03:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thử thách và thách thức
Nuôi bò sữa nông hộ tại Củ Chi (TP. HCM).
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ, khi Việt Nam chính thức gia nhập AEC và tham gia TPP, bên cạnh cơ hội, ngành nông nghiệp cũng tiềm ẩn một số thách thức: Sức cạnh tranh sẽ gay gắt hơn giữa sản xuất, dịch vụ trong nước với hàng hóa, dịch vụ nước ngoài, cũng như trong việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề lao động, môi trường khi mà hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư từ các nước TPP sẽ được ưu tiên khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế trên phạm vi quốc tế có thể tác động bất lợi tới những ngành, địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là trong nông nghiệp. Đây là những tác động mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính đến một cách thận trọng.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, cho biết, 2015 là năm bước ngoặt đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như ngành chăn nuôi nói riêng trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoài 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và bắt đầu quá trình thực hiện, Việt Nam đang thảo luận để tiến tới ký kết 6 FTA nữa, trong đó có cả AEC và TPP. Vấn đề đặt ra là ngành chăn nuôi cần chuẩn bị những gì để khẳng định vị thế trong “sân chơi” khốc liệt này.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi hiện đang phụ thuộc khá nhiều về vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao. Bên cạnh đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%. Về thuốc thú y, mỗi năm nước ta cũng phải nhập một lượng lớn để phục vụ chăn nuôi trong nước, nhất là vắc-xin. Chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo. Tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, tỷ lệ giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Mật độ ngành chăn nuôi lợn lớn hơn hẳn các quốc gia khác, do đó ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh.
Theo TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập là quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất còn manh mún, tự phát; năng suất vật nuôi thấp, giá thành cao; đầu vào của ngành chăn nuôi còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài; quá ít cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn. Mặt khác, việc liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành còn yếu, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm còn cao; công tác quy hoạch chăn nuôi ở nhiều địa phương rất khó khăn; thiếu thông tin hội nhập kinh tế…
Tổ chức lại sản xuất
Là một trong những doanh nghiệp có số lượng bò sữa lớn nhất hiện nay, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk, cho rằng, nguồn lực trong nông dân từ đất đai, vốn và lao động rất lớn, vấn đề là phải tổ chức lại sản xuất để có giá thành rẻ. “Nếu doanh nghiệp bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua đất trồng cỏ cho bò ăn là một sự lãng phí lớn. Hãy để việc đó cho nông dân làm. Họ là những vệ tinh cho trang trại bò sữa, yên tâm trồng cỏ, trồng bắp (ngô) và cắt bán mỗi ngày cho Vinamilk, tiền về tài khoản đều đều”, ông Dũng nói.
Từ những năm 1990, Vinamilk đã thực hiện liên kết với nông dân thông qua hỗ trợ vốn, con giống, thú y, kỹ thuật... và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đến nay, Vinamilk đã thực hiện liên kết với 7.200 doanh nghiệp cùng hộ nông dân và họ thấy có lợi trong liên kết này.
Cũng theo ông Dũng, khi hội nhập, phải sản xuất ra hàng hóa theo tiêu chuẩn cao nhất. Hiện Vinamilk có 6 trang trại bò sữa đạt chứng nhận Global GAP và xuất khẩu sản phẩm sang 26 nước.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như CP, Cargill, Gynomarc’h… thường tiêu thụ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi của họ qua hệ thống các đại lý. Các công ty này chỉ bán trực tiếp thức ăn chăn nuôi cho các đơn vị chăn nuôi có quy mô tương đối lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ không thể mua trực tiếp mà phải qua các đại lý. Vì vậy, chỉ khi các hộ, trang trại chăn nuôi liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể đủ lớn và mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi, từ đó có thể tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Mặt khác, trong những năm qua, các hộ chăn nuôi trong nước phải chịu 5% thuế VAT khi mua thức ăn chăn nuôi, làm đội giá sản phẩm thêm 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài, do được đầu tư khép kín theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra nên chi phí sẽ giảm hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ của người nông dân. Do đó, người chăn nuôi trong nước rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế này cho thấy, nếu liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi với các đơn vị chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm như: siêu thị, cửa hàng… thì người chăn nuôi sẽ đạt được lợi ích cao hơn.
Trong hội nhập kinh tế, việc phát triển liên kết chuỗi giá trị được đánh giá là giải pháp quan trọng để tổ chức lại sản xuất. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Để thực hiện liên kết này, doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các đối tượng tham gia chuỗi. Về phía Nhà nước, cần khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách cần thiết.
Theo ông Lê Bá Lịch, việc sản xuất theo chuỗi là cần thiết. Tuy nhiên, đặc thù của nước ta là rất ít doanh nghiệp một chủ sở hữu nên không thể làm theo mô hình của nước ngoài. Thay vì đó, Trung ương và các địa phương phải tập hợp các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất cùng chung tay, góp sức tạo mô hình sản xuất theo chuỗi các doanh nghiệp của Việt Nam. Mô hình này sẽ hoạt động theo cơ chế, vốn, chính sách đất đai, phân chia lợi nhuận, nền văn hóa… đặc thù của các doanh nghiệp từng vùng miền.
“Những giải pháp để tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi cần tập trung vào quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi; về quy hoạch; về phòng chống dịch bệnh; về khoa học kỹ thuật và khuyến nông; về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và các giải pháp về cơ chế, chính sách”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng, liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh và có điều kiện khi cần vay vốn ngân hàng. Điều này cũng đã được minh chứng qua khảo sát của Hội Chăn nuôi Việt Nam trong năm 2014 và cụ thể là việc liên kết giữa người chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã góp phần hạ giá thành từ 5-8% do bỏ các đại lý cấp 1,2,3; liên kết khép kín từ chăn nuôi sản xuất thức ăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ có thể hạ giá thành từ 12-15%.
Quang Minh - NN