Để nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình GAP: Miễn phí chứng nhận

Để nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình GAP: Miễn phí chứng nhận
Tại Hội thảo “Sản xuất cây ăn trái theo GAP” vừa tổ chức tại Tiền Giang, nhiều ý kiến cho rằng, để ngày càng có nhiều nông dân sản xuất theo GAP (hay còn gọi là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), có 2 vấn đề quan trọng cần thực hiện ngay là miễn phí chứng nhận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm này.

Nên miễn phí chứng nhận

Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến các mô hình sản xuất theo GAP kém phát triển là do chi phí chứng nhận quá cao.

Thực tế, thời gian qua, có nhiều mô hình sản xuất theo GAP sau một thời gian xây dựng, nông dân đã xin rút khỏi dự án do chi phí chứng nhận quá cao, chẳng hạn như mô hình sản xuất theo GAP của Hợp tác xã vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Châu Thành - Tiền Giang) hay HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long)…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến năm 2012, tổng diện tích cây trồng ở các tỉnh, thành phía Nam đạt chứng nhận GAP là 10.000ha, trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 300ha đạt chứng nhận này.

ThS. Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết: “Tính đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái đạt được chứng nhận GAP của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng còn hạn chế. Riêng ĐBSCL, chỉ có 0,14% trên tổng số 288.260ha cây ăn trái đạt được chứng nhận GAP. Đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng. Nguyên nhân chủ yếu do phí quá cao nên bà con ngại”.

Theo ông Tùng, có trường hợp chứng nhận VietGAP cho bưởi ở Bến Tre, với diện tích chỉ hơn 4ha nhưng chi phí chứng nhận lên đến mấy chục triệu đồng. “Điều này là quá sức đối với nông dân”, ông Tùng chia sẻ.

Bàn về vấn đề chi phí cho chứng nhận, TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đặt câu hỏi: “Tại sao nông dân quay lưng với GAP?”. Bà Mai cho rằng, do nông dân không nhận được hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trong tái chứng nhận, nên họ đành quay lưng với GAP.

TS. Võ Mai cho biết, Hội Làm vườn Việt Nam đã mời một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm GAP cho nông dân. Hội sẽ tiếp tục tìm những địa chỉ mới để phối hợp tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận GAP.

“Để nông dân không quay lưng với việc sản xuất theo quy trình GAP thì vấn đề quan trọng nhất bây giờ là không lấy tiền khi chứng nhận, tái chứng nhận, Nhà nước nên “rót” thêm kinh phí, tăng đầu tư cho sản xuất GAP”, bà Mai đề xuất.

Tìm đầu ra cho sản phẩm GAP

Bên cạnh chi phí chứng nhận, tái chứng nhận cho GAP cao, đầu ra cho dòng sản phẩm này bấp bênh, giá bán thấp cũng là nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà sản xuất theo mô hình này.

Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang cho biết: “Tiêu thụ trái cây đạt chứng nhận GAP hiện rất khó khăn, chỉ ngang bằng giá sản phẩm sản xuất bình thường, đó là cái khó cho sản phẩm GAP của Việt Nam”.

Ông Hóa cho rằng, kênh tiêu thụ quan trọng nhất cần quan tâm hướng đến trong thời gian tới đối với các sản phẩm VietGAP là hệ thống siêu thị.

Theo TS.Nguyễn Văn Hòa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: “Các doanh nghiệp cần liên kết để tạo thành đầu mối cung cấp sản phẩm GAP, thậm chí có thể kết nối với nhau để đàm phán trong ký kết với đối tác, tạo ra đột phá về giá bán”.

TS. Võ Mai nhận xét: “Ai chịu trách nhiệm việc không có nơi tiêu thụ sản phẩm GAP cho nông dân? Sản xuất GAP mà để thương nhân thu gom rồi trộn lẫn với sản phẩm thường thì làm sao cải thiện được?”.

Lý giải vấn đề trên, bà Mai cho rằng, hiện chúng ta không tổ chức được thị trường để nông dân tiêu thụ sản phẩm, họ buộc phải bán sản phẩm GAP ở các chợ truyền thống với giá như sản phẩm thường.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện sản phẩm GAP đang “bí” đầu ra, bị đánh đồng với sản phẩm thường nên nông dân không mặn mà với GAP. Trước tình hình này, một vấn đề cấp thiết cần làm ngay là tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm GAP, tạo điều kiện cho nông dân nhân rộng mô hình GAP.

Đến thời điểm này, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP như đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, nước... để xác định vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ không quá 50% tổng số vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, khuyến nông dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP; hỗ trợ một phần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn,...


Quang Minh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn