Để nông nghiệp ĐBSCL chất lượng, bền vững

Để nông nghiệp ĐBSCL chất lượng, bền vững
Từ ngày 5 đến 9.12, tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) diễn ra các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – Tiền Giang năm 2012 (MDEC-TG 2012).
Liên kết vừa là mục tiêu vừa là động lực

Ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng ban chỉ đạo MDEC-TG 2012 - cho biết, ĐBSCL có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng do hạn chế trong liên kết giữa các địa phương và liên kết vùng nên nông sản làm ra có sức cạnh tranh thấp trên thị trường. ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng nông dân vẫn nghèo, đời sống khó khăn. Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao sẽ góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn, đời sống người dân sẽ tốt hơn. MDEC-TG 2012 nhằm thu thập ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, người sản xuất - kinh doanh giỏi để tìm ra giải pháp hành động và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm vùng. Liên kết vừa là mục tiêu, vừa là động lực giúp ĐBSCL phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn bó với TPHCM, các vùng miền khác và quan hệ quốc tế dựa trên lợi thế địa - kinh tế quan trọng của vùng này với các quốc gia trong ASEAN. 

Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng BTC MDEC-TG 2012 - cho biết, diễn đàn lần này có chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”. Từ diễn đàn này, Tiền Giang sẽ kiến nghị Chính phủ 3 nhóm chính sách để nông nghiệp ĐBSCL phát triển chất lượng, bền vững: Chiến lược phát triển ĐBSCL gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; cơ chế, chính sách cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn; cơ chế, chính sách liên kết vùng. 

Điểm nhấn ở MDEC-TG 2012

Trong một loạt các sự kiện diễn ra tại MDEC-TG 2012, Ban tổ chức xác định có 2 điểm nhấn. Đó là “Hội thảo tham vấn các bên liên quan về kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long” và Hội chợ triển lãm rau quả - thương mại ĐBSCL. Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long mang tầm chiến lược do Giáo sư Cess Veerman và Nhóm chuyên gia Hà Lan dự thảo theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Dự thảo kế hoạch có tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 này sẽ được các nhà khoa học Việt Nam và những người hoạt động thực tiễn xem xét, góp ý để hoàn chỉnh, khả thi với điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Hội chợ triển lãm rau quả - thương mại ĐBSCL diễn ra từ 5 – 9.12 nhằm quảng bá hình ảnh “Đất phù sa cho cây trái ngọt lành” và tôn vinh nhà vườn, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất trái cây. Thông qua hội chợ, các nhà vườn, doanh nghiệp có điều kiện để quảng bá hình ảnh, sản phẩm chủ lực của địa phương mình với khách hàng trong và ngoài nước. Nhà vườn Tiền Giang và các tỉnh lân cận đặc biệt quan tâm tới sự kiện này, thể hiện qua việc số gian hàng đăng ký tham dự vượt quá dự kiến. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước trên lĩnh vực rau quả, trái cây cũng quan tâm, đăng ký tham dự hội chợ. Từ trưa 5.12, khi hội chợ chưa chính thức khai mạc, hàng ngàn người dân Tiền Giang đã nô nức đến với hội chợ. 
Theo LĐO