Để nông nghiệp bền vững, căn cơ

Để nông nghiệp bền vững, căn cơ
Tái cấu trúc tổng thể kinh tế đất nước không thể không đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bởi nơi đây gần 70% cư dân đang sinh sống. Có lẽ vì thế, mà hầu hết tiếng nói của các đại biểu vang trên diễn đàn QH hai ngày qua đều nhấn rất mạnh về tái cơ cấu nông nghiệp, làm gì để nông nghiệp vượt lên.
 

Nhìn bức tranh nông thôn thời đổi mới không thể với con mắt đầu tư làm “điện, đường, trường, trạm” mà phải thấu tận ruột gan người quê đang mưu sinh, đang sống thế nào? Nhìn về nông thôn phải thấy rõ thiên tai luôn rình rập: Hôm nay khá, ngày mai có thể cái nghèo khó lại ập xuống đầu.

Quê còn khó nghèo, quê còn lắm gian nan, nên khoảng cách giàu - nghèo càng cách xa nhau.

Đất quê, người quê là vấn đề lớn với một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, bước chân ra từ nông nghiệp! Cả nước hướng về làm công nghiệp, ước mơ thành nước công nghiệp hiện đại. Thế nên, bàn tái cấu trúc kinh tế phải đặt lên đầu hai tiếng “bền vững”!

 Vậy phải mổ xẻ thẳng thắn những gì đang cản bước người quê. Hãy nhìn từ các vùng quê đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, các làng xã miền Trung, miền núi phía Bắc còn đủ thách thức, khó khăn để thấy đất nước phải làm gì cho nông thôn vượt lên. Đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm; người quê còn chơi vơi trong cơ chế thị trường, cái gì cũng như tự bơi, tự lo. Tự bơi đầu vào, tự lo đầu ra, tự bơi trong hoạch định sản xuất kinh doanh, trong may, trong rủi. Người quê không chỉ thiếu vốn, mà còn thiếu thông tin thị trường, thiếu cả kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi. Người nông dân cứ cắm cổ làm, không biết sản phẩm mình làm ra trôi nổi ra sao?   


Nguồn: ITN

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng “điểm nghẽn” nằm ở đất đai chưa tích tụ, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, năng suất lao động, lợi nhuận kinh tế không cao… Đó là những ý tưởng đã được nói đến nhiều lần. Vấn đề là đất đai sẽ tích tụ theo mô hình nào, quy mô bao nhiêu, trao vào tay ai để  nhà nông có niềm tin? Vấn đề là chọn sản phẩm vật nuôi, cây trồng gì là cốt lõi, chủ lực. Bởi, chạy theo thị trường, nay được, mai mất giá, bộ, ngành nào chia sẻ với nhà nông? Bộ NN - PTNT với cả đội ngũ các nhà khoa học tên tuổi, nhưng sao từ giống cây trồng, vật nuôi, đến cả máy công cụ, nông dân vẫn tự lo, tự mày mò. Có nhà khoa học cao giọng: Nhà nông  cần gì cứ đặt hàng. Nhưng người quê đâu có nhiều bạc tiền để “đặt hàng” các nhà khoa học? Thực tiễn, giống lúa, cây con, phân bón, thuốc trừ sâu... cũng nhập tuốt tuột từ Trung Quốc về, Bộ NN - PTNT có hay?

Gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, lồng ghép chương trình này, với chương trình kia ư? Xin nói thẳng việc làm cho ra tấm ra món đem lại hiệu quả quá ít, nhưng hệ lụy kéo về cho các vùng quê phải “gánh” lại quá nhiều.

Phải ghi nhận vốn ngân hàng rót cho đất quê, người quê, dành cho “tam nông” tới 925.000 tỷ đồng là không nhỏ. Nhưng tiêu cực trong vay vốn ngân hàng vẫn chả ít. Chuyện “xin - cho” trong vay vốn cũng đủ những ỳ xèo đâu dễ nói.

Rõ ràng chính sách tín dụng tới tay nông dân cần xem lại. Chương trình tái canh cây cà phê Tây Nguyên, ngân hàng nói đầu tư vài chục ngàn tỷ, giờ thực hiện đến đâu? Chiến lược “4 nhà” giờ ra sao, có hay nhà nông vẫn “ngửa cổ” kêu giời, khi “nhà này” đến, “nhà kia” lại bỏ đi.

Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải bài bản. Tích tụ đất đai cần tính toán căn cơ. Tổng thể với tầm nhìn xa dài về tái cơ cấu nông nghiệp không thể chỉ cứ nói vang trên diễn đàn QH. Các bộ, ngành chức năng phải ngồi với nhau, mổ xẻ phân tích, tranh luận “tới lui” mới có thể xây dựng được mô hình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp cho trúng, cho đúng.

Không làm được việc đó, dù bạc tiền Nhà nước đầu tư cho “tam nông” có cả núi, cũng chỉ là những dự án chạy theo phong trào, những chương trình xa vời vợi, những hồ đập, đê bao... đuổi theo biến đổi khí hậu chả thể đến đích!

Theo Đăng Quang/daibieunhandan.vn