Đề xuất chính sách góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Đề xuất chính sách góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Chọn chiến lược sản phẩm là vấn đề rất hệ trọng, quyết định sự thành bại của nông nghiệp. Trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ lâu dài và lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để xây dựng chiến lược sản phẩm.


9 sản phẩm chiến lược

Chọn chiến lược sản phẩm là vấn đề rất hệ trọng, quyết định sự thành bại của nông nghiệp. Trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ lâu dài và lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để xây dựng chiến lược sản phẩm.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn”. Đây là định hướng đúng đắn để đưa nông nghiệp phát triển. Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là chọn lựa, xác định chiến lược sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề nghị nghiên cứu xác định các sản phẩm sau đây:

Lúa gạo: Việt Nam có truyền thống sản xuất lúa từ ngàn đời và hiện nay đang đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, những năm gần đây do chất lượng gạo chưa ngon, nhiều nước giảm nhập khẩu gạo nên giá gạo Việt Nam xuất khẩu còn thấp (trên dưới 400 USD/tấn), sản lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh (năm 2016 xuất được 4,88 triệu tấn) và chỉ bán được cho các nước nghèo. Do vậy hiện các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đều kiến nghị giảm diện tích lúa để trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việt Nam chỉ nên sản xuất đủ ăn và có dự trữ đề phòng bất trắc.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng năm 2017 chuyển 500.000 – 700.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Diện tích gạo xuất khẩu phải được quy hoạch và muốn xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng từ giống có chất lượng gạo tốt, cách thu hoạch, cách bảo quản, có công nghệ chế biến sâu, bao bì, mẫu mã đẹp, tiếp thị tốt…

Hạt gạo Việt Nam muốn cạnh tranh được phải đáp ứng yêu cầu ngon, sạch và rẻ. Để làm được điều đó, nhà nước cần có chính sách cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo như doanh nghiệp Lộc Trời ở An Giang đang làm (năm 2015, tập đoàn xuất khẩu được 163.839 tấn, năm 2016, xuất khẩu được 142.249 tấn gạo chất lượng tốt).

Cây cao su: Là cây có thế mạnh phát triển và xuất khẩu ở nước ta. Hiện nay diện tích gần 1 triệu ha và sản lượng mủ khô 1,0135 triệu tấn. Tuy giá cả thị trường lên xuống thất thường nhưng có thể phát triển ở quy mô lớn hơn đồng thời phải thâm canh và chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm, khắc phục việc xuất khẩu mủ khô, giá trị trên đơn vị diện tích thấp như hiện nay.

Cà phê: Hiện có có diện tích 640.000 ha, sản lượng 1,458 triệu tấn nhân khô và là cây có lợi thế phát triển ở vùng Tây Nguyên. Đây là cây có điều kiện sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Mặc dù sản lượng xuất khẩu khá lớn (sau Braxin) nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô và chưa có thương hiệu trên thế giới.

Hồ tiêu: Là cây có thể mở rộng diện tích vì có thị trường tiêu thụ, có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao. Cần đưa vào nhóm cây nông nghiệp xuất khẩu chiến lược nhưng phải thâm canh và chế biến để có năng suất và hiệu quả cao hơn (hiện nay diện tích đạt 110.300 ha, sản lượng 192.900 tấn).

Điều: Cũng là cây Việt Nam có lợi thế phát triển, nhất là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đều có thể mở rộng nếu Việt Nam có sản lượng điều lớn. Chất lượng hạt điều Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng phải đầu tư thâm canh để có năng suất cao hơn (diện tích cây điều mới trồng được 287.500 ha, cho sản lượng hạt thô 301.400 tấn).

Chè: Là cây thức uống được nhiều nước ưa chuộng và Việt Nam có nhiều vùng trồng chè, có truyền thống như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lâm Đồng… Hiện nay diện tích chè là 133.400 ha và có thể mở rộng diện tích nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu chè sạch, chè chất lượng và tổ chức được thị trường ổn định như một số doanh nghiệp của Đài Loan, Việt Nam đang thực hiện.

Nhóm cây rau, hoa, quả: Đây là nhóm cây có thể phát triển nhanh vì nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Với lợi thế về khí hậu nhiệt đới và có nhiều vùng sinh thái nên Việt Nam có thể trồng nhiều cây ăn quả đặc sản như vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, bưởi Năm Roi, thanh long, chôm chôm, vú sữa, cam, xoài. Một số loại trái cây Việt Nam đã xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Newzealand…

Dự kiến năm 2017 xuất khẩu rau quả sẽ đạt 3 tỷ USD. Cả nước đang có 700.000 ha cây ăn quả và có thể mở rộng diện tích trên 1 triệu ha. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nếu tập trung phát triển cây ăn quả, chắc chắn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu đến 8 tỷ USD.

Nhóm cây dược liệu: Phát triển cây dược liệu gắn với các sản phẩm chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp là một lợi thế của vùng nhiệt đới như Việt Nam. Việt Nam có nhiều vùng sinh thái nên có thể phát triển được nhiều cây dược liệu như sâm Ngọc Linh ở Tây Nguyên, cây tỏi, gừng, nghệ, quy, thục, ba kích, cam thảo… là những thảo dược quý nếu có nhà đầu tư chế biến sâu và tổ chức được thị trường.

Đây là lĩnh vực có khả năng cho giá trị trên đất cao nhất, vượt xa sản xuất lúa gạo, cây ăn quả lại chủ yếu được sản xuất ở vùng đồi núi, vùng nghèo. Mỹ, Australia, Newzealand… là những nước sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp cho doanh thu lớn, kim ngạch xuất khẩu cao (ví dụ chỉ nhau thai con cừu mà Australia, Newzealand đã sản xuất nhiều sản phẩm, đạt doanh thu cao).

Nhóm sản phẩm cá tra và tôm: Diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có là trên 1,3 triệu ha, nhưng có thể mở rộng nếu chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Thủy sản có thể phát triển cả vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Thị trường tiêu thụ cá tra, tôm còn khá lớn nhưng trở ngại lớn nhất là phòng trừ dịch bệnh mà không để lại tồn dư thuốc trong sản phẩm, đòi hỏi quy trình sản xuất và công nghệ chế biến, bảo quản hết sức khắt khe (sản lượng năm 2016: cá tra đạt 1,15 triệu tấn, tôm đạt 650.000 tấn).

Trên cơ sở phân tích trên, đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT cân nhắc xác định chọn 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm chủ lực đưa vào chiến lược sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là: gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, chè, nhóm cây dược liệu, nhóm cây rau, hoa, quả, nhóm sản phẩm cá tra và tôm.
 

Nghiên cứu và ban hành sớm chính sách khuyến khích đầu tư

Thực tiễn đã chứng minh muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải chuẩn bị dài 10 – 15 năm về khoa học vì ngành nông nghiệp có đặc thù riêng và muốn thành công phải gắn kết chặt chẽ giữa nhà doanh nghiệp với nhà nước, nhà nông. Trung tâm gắn kết của mối quan hệ này phải xác định là nhà doanh nghiệp mới thực sự có hiệu quả vì nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư họ phải lấy lợi nhuận làm mục đích chủ yếu.

Ngoài đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để chế biến sâu, doanh nghiệp còn phải bỏ vốn xây dựng quy hoạch sản xuất, làm khuyến nông, làm tiếp thị, đầu tư hoặc mua tiến bộ khoa học kỹ thuật, mua phát minh, sáng chế để sản xuất kinh doanh. Người nông dân sẽ tự giác ký kết với doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nếu cây, con mới cho thu nhập cao hơn, hiệu quả cao hơn, có người thu mua, tiêu thụ ổn định cho họ.

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng ban hành một chính sách đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu một trong 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm nói trên.

Chính sách đó bao gồm: Chính sách ưu đãi đầu tư như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (hấp dẫn hơn so với chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư tại Luật Đầu tư ngày 26/11/2014).

Để sớm có được một chính sách khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chiến lược nông nghiệp Việt Nam, đề nghị Chính phủ cho lập một tổ đề án do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo, thành viên tổ đề án có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có quy định rõ thời gian hoàn thành và trước khi ban hành chính thức, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương có tham gia sản xuất vùng nguyên liệu.

Đối với nhà đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chiến lược nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ phải quy định chặt chẽ điều kiện để được hưởng chính sách này là: Có năng lực tài chính, có công nghệ - thiết bị hiện đại, đảm bảo chế biến sâu các sản phẩm trên, tổ chức được thị trường và có chính sách khuyến nông phù hợp được nông dân hưởng ứng trồng nguyên liệu.

Nếu có chính sách đúng và thu hút được nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu có hiệu quả 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm nói trên thì công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp mới thiết thực và người nông dân mới có cơ hội làm giàu chính trên mảnh đất của mình.

Theo Nguyễn Thế Trung/nongnghiep.vn