Đến năm 2015: 98% hộ nông thôn có điện

Đến năm 2015: 98% hộ nông thôn có điện
“Một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch điện VII mà EVN đang thực hiện chính là cung cấp điện cho khu vực nông thôn và miền núi với chỉ tiêu là đến năm 2015 đưa điện về 98% số hộ dân nông thôn và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

 

Ngày 28.6, tại buổi toạ đàm “Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 - Những vấn đề cần tháo gỡ”, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết:

“Một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch điện VII mà EVN đang thực hiện chính là cung cấp điện cho khu vực nông thôn và miền núi với chỉ tiêu là đến năm 2015 đưa điện về 98% số hộ dân nông thôn và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Trong Qui hoạch điện VII cũng nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu nêu trên, trong đó có các dự án EVN đã, đang và sẽ triển khai, bao gồm các dự án cấp điện cho đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ, đồng bào vùng sâu vùng xa”.

Lắp đặt đường dây điện cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại buổi toạ đàm, nhiều câu hỏi cũng được đề cập tới quy hoạch điện VI đã chậm tiến độ, liệu quy hoạch điện VII có chậm không và nguyên nhân do đâu? Liên quan tới nội dung này, ông Phan Ngọc Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án là thiếu vốn, do các tập đoàn lớn của nước ta thực hiện các dự án quy mô lớn, thời gian dài, vốn đầu tư lớn.

“Nguồn vốn huy động cho các dự án điện thường lên tới 70, 80%, vốn chủ sở hữu chỉ từ 20 đến 30%. Trong khi đó, các nhà cung cấp tài chính trong nước rất khó đáp ứng nguồn vốn này, việc thu xếp vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng cần điều kiện nhất định, thời gian nhất định” - ông Quang cho biết.

Theo ông Dương Quang Thành, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng (62-63%), còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chủ yếu, cái thiếu này là các công trình chuẩn bị khởi công như Dự án Mỹ Tân 4, chúng tôi đang lập thủ tục đầu tư để sau này thu xếp vốn; hay các nhà máy như Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4, chúng tôi đang đàm phán vay vốn các tổ chức quốc tế như ADB, JICA.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, theo Quy hoạch xác định trong giai đoạn từ nay đến 2030, mỗi năm đưa vào 5.000 MW điện, xây dựng rất nhiều công trình trạm, đường dây từ cấp điện áp 220kV tới 500kV, với tổng vốn đầu tư từ nay tới 2020 là khoảng 50 tỷ USD, từ 2020 tới 2030 là khoảng 60 tỷ USD. Ngoài chậm tiến độ do vốn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng thừa nhận do cả nguyên nhân nhà thầu chưa có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam nên một số dự án do họ triển khai bị chậm tiến độ so với hợp đồng. Các khó khăn trên sẽ được khắc phục trong thời gian tới.