Ðạm Cà Mau về với ruộng đồng

Ðầu tháng 2-2012, dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Ðạm Cà Mau mang thương hiệu "Ðạm Cà Mau-hạt ngọc mùa vàng" đã ra đời và có mặt chính thức trên thị trường cả nước; trước hết là ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa gạo lớn nhất cả nước.
 
 
 Mô hình trình diễn ruộng lúa có sử dụng đạm Cà Mau.  
 
Vậy là lần đầu tiên và cũng là duy nhất ở Việt Nam đã sản xuất được loại u-rê hạt đục, chất lượng cao phục vụ cho nông nghiệp; Nhà máy Ðạm Cà Mau đã ghi tên mình vào danh sách nhà sản xuất phân đạm u-rê lớn nhất, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất. Với năng lực sản xuất 800 nghìn tấn u-rê/năm;  đến nay, Ðạm Cà Mau đã về với ruộng đồng, từ những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay cho đến những vườn cà-phê, cao-su... ngút ngàn tại nhiều tỉnh Miền Tây, Miền Ðông, Tây Nguyên và cả nước; đến đâu, đạm Cà Mau cũng được bà con nông dân nhiệt tình ủng hộ, đón nhận.

Ðể chứng minh tính hiệu quả khi sử dụng và cũng như giá cả hợp lý giúp bà con nông dân chấp nhận được, suốt thời gian qua, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã tổ chức, phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều buổi hội thảo quảng bá, giới thiệu mô hình trình diễn "sử dụng đạm Cà Mau trên cây lúa" và có so sánh, đối chứng với đạm nhập khẩu. Qua ba tháng làm việc tích cực giữa các đơn vị, đặc biệt là sự tham gia của nhiều chủ ruộng, ngày 17-8-2012, tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra buổi "Tổng kết mô hình điểm trình diễn đạm Cà Mau". Kết quả hết sức bất ngờ đối với các cán bộ khoa học - kỹ thuật cũng như bà con tại khu vực khi đạm hạt đục thương hiệu đạm Cà Mau chỉ cần bón 90% so với khuyến cáo trước đây đối với các loại phân đạm khác: lượng đạm Cà Mau 150 kg/ha; lượng đạm hạt trong nhập khẩu 170 kg/ha; năng suất mô hình đạm Cà Mau cao hơn 200 - 300kg/ha so với mô hình đối chứng. Ðúc kết việc sử dụng, thử nghiệm thực tế đạm Cà Mau tại nhiều cánh đồng lúa ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng cho các kết quả tương tự rất phấn khởi.

Anh Trần Văn Lắm, ở huyện An Minh, Kiên Giang, cho biết: "Sử dụng đạm Cà Mau lúa gần thu hoạch mà lá đòng còn giữ được mầu xanh thì năng suất rất đạt, cây lúa không đổ ngã; mặc dù chất lượng tốt hơn nhưng giá bán đạm Cà Mau tại khu vực chỉ bằng giá đạm nhập khẩu, nên bà con nông dân dùng đạm Cà Mau cho sản xuất thay cho mua và sử dụng phân đạm nhập khẩu". Theo kết luận của Chi cục BVTV tỉnh Kiên Giang: Nên có quy trình khảo nghiệm đạm Cà Mau tại các vùng thổ nhưỡng tại khu vực tỉnh Kiên Giang, với đặc tính nổi trội của sản phẩm thì có thể còn tiết kiệm hơn con số 10% và năng suất cũng như hiệu quả kinh tế là rất khả quan. Tại các mô hình trình diễn sử dụng phân đạm hạt đục và giới thiệu sản phẩm đạm Cà Mau đông đảo nông dân đều đồng tình với kết quả tổng kết điểm trình diễn tại hai huyện An Minh và An Biên: năng suất, chất lượng cao của ruộng thí nghiệm so với ruộng đối chứng, đồng thời lượng phân bón sử dụng cũng tiết kiệm được từ 15 đến 20kg/ha. Ông Nguyễn Tất Thắng, ấp 8, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau chia sẻ: Sau khi thí nghiệm trên ruộng, rõ ràng đạm hạt đục Cà Mau cho hiệu quả lâu bền hơn; cây lúa có thời gian hấp thu tối đa lượng phân được bón xuống; cây lúa chậm xanh hơn nhưng mầu xanh của lá lúa giữ lâu hơn so với u-rê nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều bà con nông dân cũng mạnh dạn trao đổi và đề xuất một số kiến nghị liên quan đến sản phẩm đạm Cà Mau: Các nhà khoa học phổ biến cho bà con cách phối trộn các loại phân sao cho phù hợp và hiệu quả; giữ ổn định giá cả phân đạm Cà Mau... Kỹ sư Văn Tiến Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty  kiêm Giám đốc Nhà máy đạm Cà Mau khẳng định "Kết quả đạt được như trên thực chất do những ưu điểm nổi trội của đạm Cà Mau là: hạt to, chậm tan (tránh thất thoát do rửa trôi, bay hơi), ít bụi, hàm lượng biu-rêt thấp ..., sản phẩm được người nông dân ủng hộ như vậy, Nhà máy Ðạm Cà Mau sẽ luôn phấn đấu để ổn định sản xuất và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để không phụ lòng bà con".

Ngoài ra, để quảng bá, đưa đạm Cà Mau về với đồng ruộng ở khắp mọi miền của đất nước và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau PVCFC đã phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông quốc gia và ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, các đại lý tiêu thụ sản phẩm đạm Cà Mau... tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi với mục tiêu: Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón đạm Cà Mau. Tại các diễn đàn này, việc liên kết ba nhà đã diễn ra sôi nổi giữa cán bộ nông nghiệp, các nhà khoa học và người dân; nhiều thắc mắc cũng đã được giải đáp thỏa đáng; người dân được nghe hướng dẫn tận tình các giải pháp về kỹ thuật sử dụng phân bón, cách chọn lựa phân bón và cách bón phân phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau PVCFC Hoàng Trọng Dũng cho biết: Mặc dù qua quá trình sử dụng đã cho thấy đạm Cà Mau là sản phẩm chất lượng, có nhiều đặc tính ưu việt, tuy nhiên thương hiệu đạm Cà Mau còn khá mới mẻ trên thị trường. Do đó, trước hết cần  liên kết ba nhà  để quảng bá, truyền tải thông tin về quá trình sản xuất u-rê hạt đục đạm Cà Mau dựa trên  công nghệ hiện đại đã cho ra đời dòng sản phẩm với những đặc tính  nổi bật  mà đã được minh chứng qua các mô hình trình diễn hiệu quả tại đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua. Do đó, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau PVCFC đã chủ động việc liên kết, tổ chức đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho người nông dân, nhất là khuyến cáo nông dân sử dụng các loại sản phẩm phân bón có uy tín trên thị trường để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời thực hiện các mô hình trình diễn để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; qua đó chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đến với bà con nông dân. Theo PGS, TS Mai Thành Phụng, Trưởng đại diện Trung tâm khuyến nông quốc gia tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ những kiến thức khoa học cần thiết về sử dụng phân bón, cách bón phân hiệu quả và hướng bà con chọn lựa phân  một cách khoa học để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất. Các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại lý và bà con nông dân đã đóng góp nhiều ý kiến để PVCFC Cà Mau từng bước chinh phục thị trường Miền Ðông với giá cả phù hợp và phương thức phục vụ người dân chu đáo nhất; đồng thời mong muốn đạm Cà Mau sẽ góp phần quan trọng để thay thế dần phân bón nhập khẩu hiện nay; rằng "Ðạm Cà Mau - hạt ngọc mùa vàng" về với đồng ruộng làm nên những vụ mùa bội thu.

Với mục tiêu phát triển lâu dài, đạm Cà Mau sẽ duy trì ổn định, nâng cao chất lượng trong sản xuất; minh bạch, rõ ràng trong bán hàng, đặc biệt là luôn quan tâm đến hiệu quả, quyền lợi của người sử dụng thông qua công tác tổ chức giám sát, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và chăm sóc sau bán hàng... Công ty PVCFC Cà Mau đang nỗ lực phấn đấu để trở thành nhà sản xuất và cung ứng phân đạm lớn và có uy tín trên phạm vi cả nước.

NGUYỄN ÐỨC ANH DŨNG
Nguồn:
nhandan.org.vn