Ðâu rồi hoa lợi hữu cơ? (bài 5)

Canh tác hữu cơ đại trà - chờ ba mươi năm nữa? Sau hơn 3 năm trở lại Trang trại Thiên Sinh trồng rau không hóa chất 8 ha ở xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương, phóng viên chứng kiến nhiều quy trình canh tác đã được bổ sung, hoàn chỉnh, năng suất và chất lượng cải thiện rõ rệt. Mặc dù trang trại đã 11 năm tuổi sản xuất luân canh hơn một trăm loại rau hữu cơ, nhưng hiện mới đang hoàn thành hồ sơ kiểm định, đánh giá chất lượng để cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ trong năm tới.
 
Nhân rộng rau hữu cơ ngoài trời ở xã Ka Đơn, Đơn Dương. Ảnh: V.Việt
Nhân rộng rau hữu cơ ngoài trời ở xã Ka Đơn, Đơn Dương. Ảnh: V.Việt

Trang trại tìm nông hộ chuyển giao quy trình canh tác hữu cơ
 
Chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng (sinh năm 1972) nhớ lại mình đã từng có thời gian gần nửa tháng xuất ngoại sang vùng ven Tokyo, Nhật Bản để học hỏi các biện pháp canh tác rau hữu cơ. Theo đó, người Nhật canh tác rau hữu cơ đại trà với hàng trăm nông hộ tập trung thành từng vùng rộng hàng trăm hecta, mỗi vùng phải mất thời gian ít nhất ba mươi năm hình thành. Rồi sau đó mới đi vào tổ chức phân công sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hữu cơ toàn cầu, tương xứng với quy mô, trình độ và điều kiện về đất đai, nguồn vốn, tổ chức lao động của từng nông hộ. “Trang trại rau hữu cơ Thiên Sinh ra đời 11 năm, mới bằng hơn 1/3 thời gian kiến thiết cơ bản một vùng nông nghiệp hữu cơ ở Nhật Bản. Bước đầu Trang trại Thiên Sinh tập hợp 5 hộ nông dân sản xuất khoảng 0,5 ha rau quanh vùng, thường xuyên đến đây trao đổi, nhận biết về khái niệm, mục đích, ý nghĩa sản xuất nông nghiệp hữu cơ cùng việc sử dụng các vật tư, vật liệu và nguồn giống rau sạch bệnh, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng…”, chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng thông tin và dẫn tôi men theo mấy đám cỏ voi phía sâu bên trong trang trại, dừng lại một khu vực chức năng với diện tích khoảng 1.000 m2 dành riêng một tổ sản xuất 5 hộ nông dân vừa nêu tham quan, thực hành quy trình chế biến nguyên liệu phân bón hữu cơ tự cung tự cấp cho cây trồng. 
 
Đó là khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 350 m2 lợp mái tôn, để trống tường vách đón khí trời hàng ngày chăn nuôi duy trì 40 con bò lai siêu thịt và 20 con bò thịt giống địa phương. Đàn bò nuôi trên nệm lót sinh học dày khoảng 50 cm, được phối trộn các nguyên liệu trấu, tro và men vi sinh sáng chế từ cám gạo và rượu trắng. Thức ăn cho chăn nuôi bò được cung cấp quanh năm từ 2 ha trồng cỏ voi tại trang trại; bên cạnh đó, còn mua về một khối lượng lớn rơm rạ của người nông dân trồng lúa hữu cơ ở các vùng đất ngập đầy nắng gió Phan Rang; nên chất phân thải ra hoàn toàn không tiềm ẩn một tàn dư nào về dư lượng hóa chất. Định kỳ sau 2 tháng, toàn bộ khối lượng nệm sinh học được chuyển xuống dưới một chiếc hố đào sâu bên cạnh, hàng ngày điều khiển cơ giới (cũng tự sáng chế) để vận hành đảo trộn thông thoáng cho lượng oxy tràn vào nuôi vi sinh vật, công suất trung bình 20 m3/5 phút. Tiếp theo, cân đối với tỷ lệ thích hợp lượng men vi sinh tự tạo một lần nữa (thường áp dụng tỷ lệ 7 kg cám men/m3 phân nệm sinh thái). Khoảng 2 tháng sau, phân đạt chất lượng hữu cơ hoai mục đưa ra bón cho cây trồng để đảm bảo năng suất và duy trì thân thiện với môi trường. 
 
Đáng kể thêm, đại diện Trang trại Thiên Sinh cũng vừa lặn lội xuống vùng đất Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh mua về 1 tấn phân trùn quế và đang trình diễn cho 5 hộ “nông dân vệ tinh” nói trên cùng tham khảo, từng bước ứng dụng trong khu vườn sản xuất theo hướng hữu cơ của mình. Quy trình nuôi trùn quế được lấy thức ăn từ phân bò chăn nuôi thu gom bên cạnh chuồng trại. Nuôi trùn quế liên tục hai tháng sau sẽ “gạn” lấy nước dịch hòa với nước sạch tưới cho rau và tưới cho cỏ voi để làm thức ăn trở lại cho bò. Cứ vậy theo một chu trình khép kín bồi bổ dinh dưỡng dồi dào hàng ngày cho đàn bò thịt, cho cây rau các loại và tăng thêm nguồn dự trữ phì nhiêu trong đất.   
 
Vườn ươm cây giống hữu cơ giăng bẫy bắt côn trùng gây hại. Ảnh: V.Việt
Vườn ươm cây giống hữu cơ giăng bẫy bắt côn trùng gây hại. Ảnh: V.Việt

Với nguyên liệu rơm hữu cơ mua về từ Phan Rang, Trang trại Thiên Sinh không chỉ phục vụ chăn nuôi đàn bò thịt, mà còn tìm ra được “chế độ” trải đều trên từng luống đất thay lớp màng phủ nilon khó phân hủy như trước đây. Kinh nghiệm của Trang trại Thiên Sinh là: lên luống đất, bón lót phân hữu cơ trùn quế trước khi phủ rơm lên trên. Quá trình chăm sóc được tưới kết hợp phương pháp nhỏ giọt và phương pháp tưới phun từ trên xuống. Thu hoạch xong một lứa rau, đảo trộn lớp rơm cũ xuống sâu dưới luống đất; phủ một lớp rơm mới lên trên bề mặt để trồng lứa rau kế tiếp. Lúc phóng viên đến Trang trại Thiên Sinh được chủ nhân hướng dẫn vào trong khu nhà kính trồng cà chua cherry Hà Lan trên từng luống đất phủ rơm hữu cơ gần 50 ngày, hoa nở điểm vàng theo từng chùm dài trái nho nhỏ treo lủng lẳng trên cành, lá xanh mướt mát. Trong khi thời điểm này, bệnh xoăn lá cà chua đang hoành hành nhiều diện tích trên cùng địa bàn huyện Đơn Dương, mặc dù ngành bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thử nghiệm nhiều loại thuốc hóa học khác nhau, nhưng hiệu quả phòng trừ mang lại rất thấp.         
 
Rau thiên nhiên cần ba mươi năm sau nữa
 
Theo thống kế của chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng, cũng với phương pháp trồng cà chua hữu cơ trên luống đất phủ rơm khô vừa qua, Trang trại Thiên Sinh đạt năng suất khoảng 2,5 tấn/1.000 m2/9 tháng, bằng khoảng 50% so với năng suất trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đổi lại, giá bán cà chua hữu cơ vào thời điểm tháng 8/2018 cao hơn giá bán cà chua VietGAP gấp 3 lần. Nhìn lại sau 11 năm xây dựng với tổng thể 8 ha sản xuất kết hợp với chăn nuôi đàn bò thịt hữu cơ hiện có, Trang trại Thiên Sinh mới dần ổn định các khu chức năng bố trí trồng trọt thu hoa lợi tỷ lệ diện tích hơn 40% nhà kính và 30% ngoài trời; 20% trồng cỏ, chăn nuôi; 10% còn lại trồng cây hàng rào sinh học ngăn hóa chất phát tán từ bên ngoài và trồng cây đối kháng thu hút, xua đuổi côn trùng và cải tạo đất, kết quả thu hoa lợi mỗi ngày từ 500 - 600 kg. Khách hàng mua rau hữu cơ Thiên Sinh phần lớn là những doanh nhân, khách du lịch tự tìm đến trang trại tham quan sản xuất, kiểm tra chất lượng và đặt đơn hàng trước cả năm. Trong đó, chiếm 60% khách hàng người Nhật và châu Âu làm việc tại Việt Nam; 40% còn lại gồm các doanh nhân đang kinh doanh nhà hàng, khách sạn cao cấp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trong nước.
 
Còn khách hàng địa phương Đơn Dương, Lâm Đồng đối với rau hữu cơ Thiên Sinh thì sao? “Với 30 lao động làm việc tại Trang trại Thiên Sinh, không chỉ được nhận lương ổn định hàng tháng mà còn được thu hái rau hữu cơ “cây nhà lá vườn” cho các bữa ăn tại chỗ trong ngày. Riêng khách hàng “hàng xóm” ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương, mỗi ngày Trang trại Thiên Sinh đưa về hơn 5 kg rau hữu cơ các loại chào bán với giá chỉ bằng một nửa giá bán theo đơn đặt hàng. Nhưng số lượng rau hữu cơ cung cấp cho “hàng xóm” chưa thể tăng nhanh ngày một ngày hai được, bởi họ đã ăn rau GAP từ bao nhiêu năm rồi; giờ muốn thay đổi khẩu vị ăn rau hữu cơ phải cần thời gian dài với năm, mười năm và thậm chí ba mươi năm nữa như ở vùng ven đô Tokyo, Nhật Bản mà tôi đã đến tham quan tìm hiểu, tiếp thu công nghệ sản xuất…”, chủ trang trại Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ.
 
Trồng cây làm hàng rào sinh học bảo vệ môi trường trồng rau hữu cơ khu vực Trang trại Thiên Sinh. Ảnh: V.Việt
Trồng cây làm hàng rào sinh học bảo vệ môi trường trồng rau hữu cơ khu vực Trang trại Thiên Sinh. Ảnh: V.Việt

Trước khi rời Trang trại Thiên Sinh lần thứ hai, phóng viên đã kịp lưu lại vài mươi phút giữa một khu vườn gần năm trăm mét vuông đa dạng các loại cây hoa màu tự nhiên “đấu tranh sinh tồn” cũng do chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng tìm tòi thực nghiệm. Cây tầng trên gồm bắp, cà chua, đậu Hà Lan…; cây tầng dưới gồm bí ngòi, hành poa rô, thì là, cải cầu vồng, khoai tây…; cây làm bờ bao xung quanh khu vườn là cỏ dại, hoa, rau mùi... Đây là khu vườn rau, củ, quả thiên nhiên thu nhỏ, Trang trại Thiên Sinh đang theo dõi hàng ngày để tiếp tục thay thế, bổ sung các loại cây “tương tác” với nhau đạt hiệu quả “sinh tồn” cao nhất. Rồi năm năm, mười năm và có thể miệt mài đến ba mươi năm sau nữa, Trang trại Thiên Sinh dần dần nhân rộng trên từng diện tích nhỏ đến phủ xanh từng khu vực trang trại chính 8 ha và trang trại vừa mới xây dựng thêm 4 ha - cũng thuộc địa phận huyện Đơn Dương, vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng...

Bài cuối: Nông nghiệp hữu cơ là yêu cầu tất yếu để tham gia chuỗi nông sản toàn cầu
 
Ghi chép VĂN VIỆT/baolamdong.vn