Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc và khu vực miền núi phía bắc được triển khai thực hiện từ năm 2011, đến nay đã đạt được một số kết quả: Có 51 trong số 68 đề tài, dự án của Chương trình, trong đó có 26 trong số 44 nhiệm vụ áp dụng cho Tây Bắc và khu vực miền núi phía bắc hoàn thành. Chương trình đề xuất một số cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, phát huy động lực của khoa học và công nghệ xây dựng văn hóa nông thôn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (huyện Tam Ðảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: khánh linh

 

Chương trình đã giới thiệu chuyển giao 146 quy trình, giải pháp công nghệ, xây dựng 131 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị. Hơn 5.000 hộ nông dân của 10 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố trong cả nước được hưởng lợi khi tham gia.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình này tập trung vào mục tiêu xúc tiến xây dựng nông thôn kiểu mẫu, trong đó có ba nhóm tiêu chí cơ bản là kinh tế và tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm; an ninh nông thôn; đồng thời đề ra một số giải pháp phối hợp triển khai các đề tài, dự án giữa chương trình với các địa phương trong vùng, các cơ quan quản lý; xây dựng nông thôn mới kết hợp với các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững; tìm các giải pháp thu hút vốn ngoài nhà nước, vốn nước ngoài... Áp dụng khoa học công nghệ để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp...

* Tám tháng qua, tỉnh Cà Mau đón hơn 840.000 lượt khách du lịch, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó thu hút được hơn 17.000 lượt khách du lịch quốc tế; tổng doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách đến Cà Mau tăng mạnh do ngành du lịch tỉnh chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều khu du lịch từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, đường giao thông… Trong ba ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, khu du lịch Ðất Mũi và khu du lịch Khai Long đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan. Lượng du khách tìm đến đông là do tuyến đường Hồ Chí Minh nối từ huyện Năm Căn về đến xã Ðất Mũi được thông xe.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan huy động nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch, nhằm đưa lĩnh vực du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ thi công bốn công trình quan trọng tại khu du lịch Mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển, trong đó có công trình cột cờ Hà Nội. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cần tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách đến tham quan. Tỉnh chú trọng việc liên kết phát triển du lịch vùng; kết nối các tuyến đường giao thông phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng và đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khuyến khích các hộ dân tham gia mô hình du lịch sinh thái cộng đồng... Cà Mau phấn đấu thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch vào cuối năm nay.

Theo nhandan.com.vn