Ðể bảo hiểm thủy sản phát huy hiệu quả
- Thứ ba - 05/03/2013 20:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở các địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôm, cá chết hàng loạt, người nuôi trồng đặt hy vọng nhiều vào việc đền bù nhanh chóng... lại xuất hiện thông tin có sự lợi dụng chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) để trục lợi từ phía người nuôi. Từ đó, quá trình bồi thường bị kéo dài và điều này đã trở thành lực cản trong quá trình triển khai chủ trương này trên diện rộng.
Chậm chi trả bồi thường
Nước trong thấu đáy, rong rêu mọc đầy. Những dấu hiệu này cho thấy, ao đã không còn tôm từ khá lâu. Chủ ao tôm thừa nhận, tôm chết đã cả tuần rồi mới đi báo và đề nghị bồi thường. Còn cán bộ nuôi trồng thủy sản địa phương thì cho rằng, cũng không loại trừ trường hợp một số hộ nuôi tìm cách trục lợi BH, vì tôm, cá càng nhiều ngày tuổi nếu chết được đền bù càng cao. Ðó là thực tiễn tại những vùng nuôi thủy sản ở các tỉnh tham gia BHNN tại đồng bằng sông Cửu Long.
Một cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, do số lượng cán bộ kiểm tra, giám sát thì mỏng, trong khi lượng hợp đồng BH tại Bạc Liêu thời gian qua tăng đột biến, gấp từ ba đến bốn lần so với dự kiến, nên xử lý không xuể. Theo số liệu của Tổng Công ty BH Bảo Việt, chỉ tính riêng tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, đến hết năm 2012, số tiền đề nghị bồi thường hiện đã lên tới gần 200 tỷ đồng (và còn tiếp tục tăng thêm), vượt quá 300 đến 400% số phí thu được. Do thiếu nhân lực và cũng vì lo ngại trục lợi BH nên Ban chỉ đạo (BCÐ) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải rà soát thận trọng, nghiêm túc, dẫn tới tốc độ chi trả tiền bồi thường khá chậm. Trong khi đó, những người nông dân thật thà, bị thiệt hại thật sự đang ngóng trông tiền bồi thường để có thể tiếp tục sản xuất. Ðiều này đã gây nên những bức xúc của người dân về thời hạn và mức độ bồi thường BHNN.
Vào thời điểm cuối năm, khi gặp chúng tôi, ông Ðăng Duôl, đại diện cho người nuôi tôm tham gia BHNN ở xóm Bưng Tum, phường Khánh Hòa, TP Sóc Trăng cho biết, gia đình ông và nhiều gia đình nuôi tôm khác rất mong chờ được nhận tiền bồi thường BH theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, chờ đã lâu, ao đã để không nhưng vẫn chưa được nhận tiền. Ông được BCÐ đề nghị tiếp tục chờ do có thông tin người nuôi đã tìm cách trục lợi nên yêu cầu phải rà soát, kiểm tra thật kỹ từng hợp đồng. Ðến thời điểm trước Tết Nguyên đán, sau khi đã được xác nhận hồ sơ, về cơ bản các hộ nuôi đã bắt đầu nhận được tiền bồi thường.
Không chỉ riêng con tôm mới xảy ra tình trạng này mà tại các tỉnh triển khai BH cá tra cũng xảy ra tương tự. Tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, gia đình chị Phạm Thị Nghĩa có một ao mua BHNN cho con cá tra. Chị tâm sự: Mặc dù đã bỏ ra 60 triệu đồng để mua BHNN nhưng gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở đây đều không mong nhận lại những đồng tiền này. Ðiều chúng tôi mong mỏi là cá trúng vụ, trúng giá, khi đó, kinh phí bỏ ra mua bảo hiểm không đáng kể, nông dân chúng tôi không tính đến. Vậy nhưng, đã sáu, bảy vụ rồi, lớp thì chết bệnh, lớp còn lại đã lớn mà giá ngày càng tụt, người nuôi chúng tôi xót ruột từng giờ. Bán cả ao bây giờ, cầm chắc lỗ lớn vì giá rớt dưới giá thành từ sáu đến bảy nghìn đồng một ký. Chúng tôi chỉ mong nhanh chóng nhận được tiền bồi thường, nhanh ngày nào đỡ khổ ngày đó.
Tháo gỡ nhanh, giải quyết gọn
Về tình trạng chậm chi trả tiền bồi thường BHNN, Giám đốc Bảo Việt Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Phương cho biết: Theo yêu cầu, DNBH phải rà soát, kiểm tra thật kỹ lưỡng từng hợp đồng, bao gồm cả quá trình điều nghiên, ký kết, kiểm tra, giám sát. Chúng tôi chỉ có vài chục người, còn các nghiệp vụ khác nữa, nên dù đã làm việc tới tận 11 giờ đêm hàng tháng trời nhưng cũng không thể xử lý kịp. Trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận hàng trăm cuộc điện thoại báo tin của người dân, xử lý hàng đống hồ sơ sao cho chính xác mà lại phải nhanh là điều không thể - ông Nguyễn Hoàng Phương giãi bày. Ðây cũng là tình trạng chung của tất cả các tỉnh thực hiện BHNN thủy sản vùng Tây Nam Bộ.
Không chỉ thiếu người, mà tại các địa phương, do chỉ thí điểm ở một số cụm địa bàn rải rác, trải rộng đã khiến công tác giám định trước khi nhận BH và công tác thẩm định quy trình nuôi thả chưa được thấu đáo. Thêm vào đó, phương tiện, cộng cụ xét nghiệm để xác định thiệt hại còn hạn chế, quy định còn thiếu cụ thể..., người dân lại không thông báo kịp thời, không tổ chức cứu chữa cho vật nuôi mà đợi đến ngày có tỷ lệ bồi thường cao mới thông báo tổn thất.
Ðể giải quyết thực tế trên, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế. Tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, lãnh đạo địa phương khẳng định, tuy có tâm lý và nguy cơ phát sinh tiêu cực nhưng qua kiểm tra, rà soát của lực lượng công an (thành phần mới được bổ sung vào BCÐ) thì chưa phát hiện được trường hợp nào. Tuy nhiên, qua phân tích và nắm bắt thông tin, đã có nhiều đơn yêu cầu bồi thường bị BCÐ từ chối và các chủ hợp đồng cũng không thể không nhất trí với cách xử lý này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho rằng, trước hết, phải giải tỏa và làm rõ tư cách cán bộ thực hiện BHNN xem có hiện tượng móc ngoặc hoặc tạo điều kiện cho người tham gia BHNN trục lợi hay không. Sau đó, phải giám sát chặt các hợp đồng để "dập ngay từ trong suy nghĩ" hiện tượng tiêu cực này. Giải quyết thấu tình đạt lý các hợp đồng BHNN giữa người dân và DNBH là trách nhiệm của BCÐ địa phương. BCÐ phải giúp người dân tiếp cận được BHNN nhưng cũng phải giúp DNBH thực hiện công việc một cách hiệu quả và thuận lợi. Giám đốc Bảo Minh Trà Vinh Lâm Thanh Cảnh cho biết: Dù đây là tiền DNBH bỏ ra giúp Nhà nước chi trả cho dân, nhưng cũng là đồng tiền của dân, của nước, không thể sử dụng thiếu cân nhắc, gây sự bất bình đẳng trong cộng đồng người nuôi.
Tăng cường giám sát tránh trục lợi BH
Tại cuộc họp liên bộ giữa Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh thực hiện thí điểm BH thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long tại TP Hồ Chí Minh vừa qua về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã yêu cầu tăng cường công tác giám sát rủi ro và phòng, chống trục lợi BH. Ðây là công tác có ý nghĩa then chốt trong việc bảo đảm ý nghĩa và sự phát triển bền vững của chương trình. Nếu người dân không hiểu hết quy trình, nguyên tắc BH dẫn tới thắc mắc kéo dài... sẽ cản trở việc triển khai mô hình trên diện rộng.
Liên bộ cũng đã thống nhất các nguyên tắc và phương thức chỉ đạo thực hiện BHNN trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc tiếp tục kiên định tuân thủ nguyên tắc bồi thường theo thực tế thiệt hại, cần phải tăng cường trách nhiệm của các BCÐ địa phương và các DNBH.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống đại lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, giám sát việc triển khai BHNN. Ðây là một bước ngoặt lớn trong thực hiện BHNN, bởi trục lợi BH còn tác động rất lớn đến hoạt động tái BH - một mắt xích rất quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn để bảo đảm tình trạng an toàn tài chính trong BHNN. Ðiều đáng lo ngại là với thực tế người nuôi tìm cách hưởng lợi hơn mức thiệt hại như hiện nay thì việc khống chế điều khoản và phạm vi BH, thậm chí từ chối nhận tái BH là rất dễ xảy ra. Khi đó, việc dừng thực hiện chương trình BHNN là khó tránh khỏi, người nông dân sẽ phải chịu thiệt thòi khi không còn cơ hội được thụ hưởng chính sách tài chính ưu việt này
SO với các loại hình bảo hiểm khác, BHNN vẫn còn "mới lạ" đối với cả người nông dân, BCÐ các cấp và DNBH. Thực tiễn cho thấy, trước đây, BHNN từng bị thất bại do nguyên nhân cơ bản là không kiểm soát được tình trạng trục lợi bảo hiểm. Những gì đang diễn ra ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh... cho thấy sự thành, bại của chủ trương này một lần nữa lại phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát rủi ro và tình trạng trục lợi BH.
SÔNG TRÀ (nhandan.com.vn)